Xuất khẩu thủy sản liệu có cán đích 6,5 tỷ USD?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hai mặt hàng chủ lực đều giảm

Mặc dù, tính đến hết tháng 9/2012, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu thủy sản nước ta vẫn không khỏi lo lắng khi kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2012 tiếp tục giảm mạnh, chỉ đạt 525 triệu USD, giảm 6,0 % sau khi đã giảm 8,1% trong tháng 8 và giảm nhẹ 1,5% trong tháng 7/2012.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 2012 là năm khó khăn của hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực tôm và cá tra. Ba tháng liên tiếp từ tháng 6 – 8/2012, xuất khẩu tôm “lao dốc”. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,62 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với cá tra, chỉ duy nhất tháng 2 và 3/2012, xuất khẩu mặt hàng này tăng về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ tháng 4/2012 đến nay, xuất khẩu cá tra liên tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Tính đến hết tháng 9/2012, xuất khẩu cá tra chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp “khóc” đủ đường

Gần đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất, giảm từ 14% xuống 13%, 12% rồi 9%, trần lãi suất đầu ra tối đa không quá 15%. Thế nhưng, việc điều chỉnh vẫn diễn ra chậm chạp khiến nhiều doanh nghiệp vẫn phải xoay xở trả nợ với lãi suất cao. Trong khi đó, các chi phí như giá điện, nhân công, bao bì, cước vận chuyển, nguyên liệu, thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE… đều tăng, ảnh hưởng đến sản xuất, khả năng cạnh tranh xuất khẩu, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.

Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, người nuôi cá tra thì liên tục “treo ao” bởi chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán giảm mạnh đã gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu, khiến doanh nghiệp chế biến điêu đứng.

Ngoài việc đối diện với thiếu nguyên liệu, thiếu vốn sản xuất, thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục… doanh nghiệp còn phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật từ thị trường truyền thống, điển hình là việc Nhật Bản thắt chặt kiểm soát dư lượng Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm đối với 100% lô tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang hết sức hoang mang và lo lắng với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế sắp tới của Bộ Tài chính, những hàng hóa là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất và hàng hóa xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông qua, trước khi giải phóng hàng hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng chậm nộp thuế tối đa 275 ngày.

Bộ Tài chính cho rằng, quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách ân hạn thuế để làm ăn gian dối, trốn thuế. Tuy nhiên, theo đại diện của VASEP: Nếu dự thảo trên được thông qua sẽ làm mất đi khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam vốn đang có nhiều lợi thế nhưng đang dần lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu. Và nếu chính sách này được thực thi thì ngành thủy sản sẽ rơi vào khủng hoảng.

Người nuôi hoang mang

Chưa có năm nào người nuôi cá tra và tôm lại gặp khó như năm nay. Người nuôi cá tra đang phải hứng chịu thiệt hại do giá cá giảm, thậm chí xuống dưới giá thành sản xuất trong khi giá thức ăn, các chi phí đầu vào khác tiếp tục tăng cao. Nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL bị “treo ao” do người nuôi làm ăn thua lỗ.

Khi có thông tin về gói cứu trợ tín dụng để giải cứu cá tra của Chính phủ vào tháng 7, người nuôi và doanh nghiệp đều thấy tràn đầy hy vọng, sản xuất phần nào có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên đã 3 tháng trôi qua, người nuôi vẫn chưa thể tiếp cận được vốn.

Không chỉ người nuôi cá tra phải hứng chịu với những khó khăn mà người nuôi tôm cũng “lao đao” vì dịch bệnh. Theo thống kê của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 9/2012, diện tích thiệt hại do tôm nhiễm bệnh là 68.909 ha, gần gấp đôi so với con số 6 tháng đầu năm và bằng 89,1% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, tôm sú bị thiệt hại là 63.781 ha và diện tích tôm chân trắng bị thiệt hại là 5.128 ha.

Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 (RIA2) phối hợp với các viện, trường và các tổ chức quốc tế như Trường Đại học Arizona (Mỹ), Đại học Mahidol (Thái Lan) hay Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO)… để nghiên cứu tìm ra nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm. Và qua nhiều cuộc nghiên cứu, phân tích, bước đầu nguyên nhân khiến tôm nuôi chết đã được phát hiện, đó là hội chứng hoại tử gan, tụy gây ra. Bản chất gây ra hoại tử gan, tụy trên tôm do tác động của độc chất Cypermethrin – một thành phần có trong thuốc diệt giáp xác dùng để xử lý ao nuôi tôm. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn tồn tại đối với người nuôi mà cho đến nay chưa giải quyết được.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản: Để cán đích 6,5 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng phải đạt 700 triệu USD. Trên thực tế con số đó từ trước đến nay chưa bao giờ đạt được. Đồng thời, do suy thoái kinh tế thế giới nên nhu cầu tiêu thụ thủy sản vẫn sẽ tiếp tục giảm. Kỳ vọng về đích 6,5 tỷ USD sẽ vô cùng khó trong năm nay.

Sao Mai
Nguồn: Báo điện tử Công thương