Xuất khẩu thủy sản năm 2010 sẽ vượt xa con số 4,5 tỷ USD
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Công ty Cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) cho biết; trong 2 tháng đầu năm, công ty đã xuất khẩu 2.000 tấn hải sản, đạt kim ngạch 4,2 triệu USD. Riêng tháng đầu năm, công ty đã xuất được 100 tấn hàng hải sản đông lạnh sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến trong năm nay, công ty sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 triệu USD vì đơn hàng cho cả năm đều đầy ắp.

Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản khác cũng cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay họ xuất được nhiều chuyến hàng và nhiều hợp đồng đã được ký. Hiện nay, các công ty đang tập trung củng cố, nâng cấp, trang thiết bị máy móc cần thiết, đào tạo tay nghề cho công nhân nhằm ổn định sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt là việc tăng cường công tác xúc tiến mở rộng thị trường để tăng giá trị xuất khẩu và hạn chế rủi ro.

Phía Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) còn khẳng định năm 2010 giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước sẽ vượt con số 4,5 tỷ USD. Dự báo khả quan đó dựa trên cơ sở là nhiều doanh nghiệp chủ lực như Vĩnh Hoàn, Minh Phú… đã chủ động được nguồn hàng nên đầu ra được đảm bảo tốt hơn. Bên cạnh đó là việc người dân đẩy mạnh việc nuôi tôm thẻ chân trắng và cá tra nên chắc chắn nguồn nguyên liệu sẽ không bị khó khăn như năm ngoái. Thêm vào đó, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (JVEPA) đang phát huy tác dụng, tạo thuận lợi lớn cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam khi đưa hàng vào thị trường này. Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh sang các thị trường mới, có nhiều tiềm năng như Hàn Quốc và Trung Quốc để ngành xuất khẩu không quá phục thuộc vào thị trường truyền thống EU.

Tuy nhiên bên cạnh những tín hiệu lạc quan này, việc giá dầu tăng hai lần từ đầu và sự sụt giảm sản lượng hải sản đánh bắt trong thời gian gần đây đã khiến cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Du lịch Vinh Sang cho biết: Do giá nguyên liệu đầu vào tăng 7% so với tháng đầu năm nên việc thu mua nguyên liệu của công ty gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, giá sản phẩm xuất đi lại không tăng nên mặc dù hai tháng đầu năm công ty đã xuất khẩu 4 container hàng thủy sản chế biến nhưng giá trị thu về chỉ đạt khoảng 200 ngàn USD. Để khắc phục những tồn tại này, công ty đã cố gắng thương lượng với các nhà nhập khẩu nhằm tăng giá bán sản phẩm lên nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được trả lời. Phía Công ty Baseafood cũng cho biết; bình quân mỗi năm công ty cần tới 20 đến 25 ngàn tấn nguyên liệu, nhưng thực tế chỉ thu mua được từ ngư dân khoảng 20%, hơn 50% thu mua từ các nguồn khác, số còn lại phải nhập khẩu từ các nước như: Chile, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan, Trung Quốc…

Trước tình trạng này mỗi công ty đều cố gắng khắc phục để tìm ra cho những phương án khác nhau. Để bảo đảm nguồn hàng tốt cho xuất khẩu, Công ty thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (TP. Vũng Tàu) đã tập trung mở rộng thị mua nguồn nguyên liệu ở một số tỉnh thành miền Trung và miền Bắc và sẵn sàng phương án nhập khẩu thêm nguồn nguyên liệu từ nước ngoài; Công ty Baseafood một mặt đưa ra yêu cầu thị trường nước ngoài xem xét tăng giá, mặt khác, phấn đấu tăng năng suất các mặt hàng chiến lược. Ngoài ra, công ty cũng chú trọng tới việc mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa song song với thị trường xuất khẩu.

Nguồn: Báo Công thương điện tử