Xuất khẩu tôm gặp khó tại nhiều thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, thị trường Mỹ giảm 16,1%, EU giảm 25,2%, Canada giảm 13,8%, Thụy Sỹ giảm 13,8% và ASEAN giảm 21,5%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xuất khẩu tôm Việt Nam khó có thể bứt phá vào cuối năm nay do có nhiều khó khăn ở trong nước cũng như nhu cầu tiêu thụ thấp tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở những thị trường nhập khẩu chính.

Tại thị trường Mỹ, thống kê của Cục Nghề cá biển Quốc gia Mỹ (NKFS) cho thấy, nhập khẩu tôm các loại vào Mỹ 9 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 381.425 tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc lần lượt giảm 32,1%, 34,5% và 35,2%; đồng thời, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường này vẫn ở mức thấp bởi lượng dự trữ tôm của nước này còn nhiều.

Tại thị trường Nhật Bản, do vướng phải dư lượng Ethoxyquin nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật cho đến tháng 11-2012 mặc dù tăng trưởng nhưng mức tăng chỉ đạt 6,3%, giảm nhiều so với mức tăng trung bình trên 20%/tháng trong các tháng đầu năm nay.

Hiện nay, vấn đề Ethoxyquin đã khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có tâm lý e ngại khi xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, quy định kiểm tra Ethoxyquin không những khiến cho tôm Việt Nam rơi vào tình trạng bị ép giá tại thị trường Nhật, mà còn xảy ra tại nhiều thị trường khác.

Các chuyên gia ngành thủy sản nhận định, thách thức lớn nhất đối với ngành tôm Việt Nam hiện nay chính là vấn đề về Ethoxyquin vẫn chưa được giải quyết tại thị trường Nhật Bản.

Để khắc phục vấn đề trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực đàm phám với phía Nhật Bản để yêu cầu thị trường này xem xét lại vấn đề cảnh báo chất Ethoxyquin.

Trước tình hình này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất trong nước cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng Ethoxyquin có trong tôm nguyên liệu, ví dụ như cho tôm ăn thức ăn không chứa chất Ethoxyquin trước khi thu hoạch một thời gian.

Thúy Hiền
Nguồn: Báo Hải quan Online