Xuất khẩu vàng: Cơ hội giảm nhập siêu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chưa cho, nhưng đã xuất!

Năm 2004, vấn đề xuất khẩu vàng đã được đặt ra tại hội thảo về chính sách thuế với hoạt động kinh doanh vàng. Sau đó, giữa năm 2005, đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng và các doanh nghiệp trong ngành vàng lại kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng. Từ đó đến nay, đã có hàng chục lần, các ý kiến về việc cho phép xuất khẩu vàng miếng được nêu lên tại các cuộc hội thảo, hội nghị nhưng vẫn chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép.

Một đại diện của hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, có thể ngân hàng Nhà nước chưa cho phép xuất khẩu vàng vì 95 – 96% lượng vàng lưu hành trong sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam đều là nhập khẩu. Không chủ động nguồn cung, không có lợi thế quặng mỏ khai thác thì làm sao xuất khẩu được…

Thực tế, theo một trùm kinh doanh vàng ở Q.5, trong hàng chục năm qua, hàng chục tấn vàng từ Việt Nam đã và vẫn đang tiếp tục xuất ra nước ngoài qua ngả biên giới Campuchia mỗi khi có sự biến động về giá. Ông này tính, lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam các năm vừa qua trên dưới 60 tấn, năm 2006- 2007 trên 70 tấn và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008 đã 45 tấn. Ông khẳng định, có 10 – 15% của hàng trăm tấn vàng đó đã được xuất khẩu ngược khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới.

Cụ thể như ở thời điểm hiện nay (tính theo giá ngày 15/6/2008), giá vàng trong nước thấp hơn thế giới 300.000đ/lượng, dù có trừ đi chi phí sản xuất để chuyển vàng miếng thành vàng thỏi (phí giá công vàng miếng 30.000đ/lượng), hoặc gia công ở mức sơ sài (chế ra trang sức đơn giản như vòng, kiềng trơn nặng vài lượng/chiếc) thì mức chênh lệch vẫn khá cao. Do vậy với những nhà buôn vàng, khi lợi nhuận mua vào – bán ra hàng ngày chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/lượng thì mức chênh lệch vài trăm ngàn đồng/lượng là khá cao. Có thời điểm, giá vàng trong nước còn thấp hơn giá thế giới đến 450.000đ/lượng, chẳng có lý do gì mà nhà kinh doanh lại không tìm cách hưởng lãi từ sự chênh lệch này.

Đừng để vàng “chết”
 
Phân tích rạch ròi hơn, bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc công ty PNJ cho rằng: doanh nghiệp dùng ngoại tệ mua vàng, thì khi xuất khẩu cũng thu về bằng ngoại tệ. Cho phép xuất khẩu vàng sẽ giúp thị trường kinh doanh vàng lưu thông tốt hơn. Hàng chục tỉ USD bỏ ra mua vàng nhập về (tính trong vòng 6 năm trở lại đây) có thể tạo khoản lợi nhuận không nhỏ khi cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng nguyên liệu, biến vàng thành vốn đầu tư trực tiếp cho nền kinh tế.

Chính doanh nghiệp sẽ tự biết cân đối theo tình hình thị trường, lúc nào nên mua, nên bán. Còn nếu chỉ được phép xuất khẩu trang sức như hiện nay thì quá khó, khi Việt Nam đang bị cạnh tranh dữ dội từ các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ trên thị trường xuất khẩu ở ngay các lợi thế về nhân công giá rẻ, tay nghề thợ kim hoàn …

Ông Nguyễn Thành Long, tổng giám đốc SJC từng nêu ý kiến, việc xuất khẩu vàng sẽ giúp cân bằng được lượng cung cầu và tạo ra nguồn ngoại tệ trong một thời gian ngắn. Nếu có cơ chế xuất khẩu thích hợp, số vàng nằm trong nước sẽ được chuyển thành ngoại tệ và thị trường vàng sẽ được khai thông, phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhiều doanh nghiệp cũng thấy rõ, không có xuất mà chỉ nhập thì vàng nằm trong dân trở thành vàng chết, không sinh lợi cho nền kinh tế. Đã từng có quan điểm cho rằng để tránh nhập siêu, nên hạn chế việc nhập vàng. Điều này càng nguy hiểm ở chỗ sẽ đẩy giá vàng Việt Nam lên rất cao so với thế giới khi nguồn cung bị chặn lại; còn nhu cầu mua vàng giao dịch, cất trữ, làm trang sức… của người dân không ngừng gia tăng.

Khi vàng đang trở thành vấn đề nóng trên thị trường thế giới và cả ở trong nước, và sự chênh lệch giá vàng cũng biến động từng giờ, từng phút, thì nhu cầu khai thông thị trường vàng bằng cách cho phép nhập – xuất rõ ràng là cần thiết.

Theo Báo Sài Gòn tiếp thị