Xuất khẩu vào Trung Đông: Cửa vẫn còn rộng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều mặt hàng đã tìm được chỗ đứng

Theo Bộ Công thương, kim ngạch thương mại 2 chiều của VN – Trung Đông trong năm 2007 mới chỉ đạt 1,2 tỷ USD, trong đó VN xuất khẩu đạt 700 triệu USD và nhập khẩu khoảng 500 triệu USD. Dĩ nhiên, con số này chưa tính đến một lượng hàng không nhỏ của VN xuất khẩu vào Trung Đông qua nước thứ 3. Tuy vậy, cùng với các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật, EU… Trung Đông được đánh giá là một trong những thị trường mới, có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, bình quân đạt khoảng 30%/năm.

Các mặt hàng chủ lực VN xuất sang Trung Đông bao gồm gạo, cà phê, sản phẩm dệt may, máy tính, linh kiện điện tử, giày dép, sản phẩm gỗ, hải sản… Ngược lại, VN nhập khẩu các mặt hàng như xăng dầu, sản phẩm hóa dầu, phân bón, sắt thép. Đối với mặt hàng hải sản, trong 2 năm gần đây nhu cầu tiêu thụ đang có những chuyển biến khá tốt.

Người tiêu dùng tại Trung Đông, đặc biệt là tại Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã bắt đầu chấp nhận việc dùng hải sản đông lạnh của VN. Theo nhận định của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cùng với Nga, Trung Đông hiện là thị trường mới nhưng cũng là trọng điểm từ nay đến năm 2010 trong việc xuất khẩu một số mặt hàng như tôm đông lạnh, philê cá…

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng đồ gỗ để xây dựng trong các dự án là rất lớn. Thị hiếu tiêu dùng tại đây tương đối giống so với các nước châu Âu. Điều này tương đối “thuận tay” đối với đại đa số các DN xuất khẩu đồ gỗ VN vì họ đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất đồ gỗ xuất khẩu vào những thị trường “khó tính”. Còn nông sản và thực phẩm vốn dĩ đã được xem là 2 mặt hàng truyền thống của VN tại Trung Đông.

Nguyên nhân chính là thị trường này thường dùng khá nhiều gia vị trong các bữa ăn, do vậy hạt tiêu của VN đang chiếm lĩnh thị phần khá cao. Chè và cà phê cũng là 2 mặt hàng thế mạnh của VN. Tuy nhiên, do các DN chủ yếu mới đáp ứng trong việc xuất khẩu thô, chưa tạo được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, do vậy dù là thị trường truyền thống nhưng cung và cầu đối với nhóm hàng này vẫn chưa đạt được những con số mong muốn.

Ông Đặng Ngọc Quang, nguyên Tham tán thương mại tại Dubai nhìn nhận, kể từ khi VN xây dựng trung tâm thương mại giới thiệu hàng hóa tại Dubai (UAE) thì lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này tăng khá mạnh. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tại Trung Đông nói chung và Dubai nói riêng là rất lớn. Do vậy, để đẩy mạnh lượng hàng vào các thị trường này, DNVN cần phải tận dụng nhiều kênh phân phối khác nhau.

Cửa vẫn còn rộng…

Thị trường Trung Đông với 15 nước nằm trên con đường huyết mạch Á – Âu và nằm ở ngã 3 của 3 châu lục Á – Âu – Phi nên rất thuận tiện để vận chuyển, đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường lân cận. Theo nhận định của Bộ Công thương, nếu án ngữ được khu vực này, hàng hóa VN có thể mở rộng quy mô, dễ dàng thâm nhập vào thị trường Trung Đông rộng lớn với 250 triệu người. Nếu trước đây VN chỉ quan hệ giao thương với Iraq thì đến nay cơ cấu thị trường đã được mở rộng sang nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Israel, Arabia Saudi…

Trong đó, 2 thị trường là UAE và Arabia Saudi là những thị trường lớn của vùng Vịnh. Riêng Arabia Saudi với dân số lên tới 27,6 triệu người và là một nền kinh tế lớn của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh với trữ lượng dầu mỏ lên tới gần 300 tỷ thùng/năm nên được đánh giá là một đất nước rất giàu có. Đây cũng là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn các mặt hàng mà VN có thế mạnh như hạt tiêu, gạo, chè, dệt may, giày dép… Bên cạnh hàng hóa, Arabia Saudi cũng là một thị trường lớn trong lĩnh vực đầu tư, tài chính và có nhu cầu nhập khẩu lao động.

Đối với UAE, mặc dù chính sách ngoại giao rất cởi mở, kiểm soát hàng đơn giản nhưng khi xuất khẩu hàng hóa các DN cần lưu ý. Đó là luật pháp UAE không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được trực tiếp mở công ty mà phải có người bảo lãnh hoặc chia sẻ vốn kinh doanh, với tỷ lệ 51 – 49.

Theo Vụ Châu Phi – Tây Á – Nam Á (Bộ Công thương), Trung Đông là một thị trường tương đối dễ tính, nhưng cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này đang dần thay đổi, lượng hàng nông sản và nhiên liệu ngày càng có xu hướng giảm, thay vào đó là hàng có hàm lượng chất xám và lao động cao đang gia tăng như thực phẩm chế biến, điện tử, đồ gỗ…

Trong số này, một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng bình quân 88% – 100%. Mặt khác, Trung Đông là khu vực có sức tăng trưởng kinh tế nhanh, trung bình khoảng 6% – 14%, chính sách thuế của khu vực này cũng rất giống nhau, do vậy tính cạnh tranh của hàng hóa tại khu vực này là rất cao. Điều này đòi hỏi các DN xuất khẩu hàng phải đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như thời điểm giao hàng đúng như cam kết trong hợp đồng. Bằng không, hàng hóa VN sẽ khó có thể đứng vững tại thị trường này.

Theo SGGP