Xuất khẩu Việt Nam giảm liên tục trong vòng 3 tháng qua
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhận định của các chuyên gia thương mại cho thấy: trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có dệt may giữ được kim ngạch ở mức 780 triệu USD như tháng 10/2008; giày dép tăng nhẹ lên 400 triệu USD. Còn lại hầu hết các mặt hàng đóng góp nhiều cho xuất khẩu đều bị suy giảm.

Đáng chú ý nhất trong tháng 11 này là dầu thô tuy số lượng xuất khẩu tăng hơn tháng trước nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 505 triệu USD do giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh. Chính sự giảm giá của mặt hàng này là nguyên nhân khiến tình trạng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam giảm liên tục trong vòng 3 tháng qua. Không những thế, mặt hàng thuỷ sản cũng có kim ngạch giảm từ 474 triệu USD tháng 10/2008 xuống còn 460 triệu USD trong tháng 11; xuất khẩu gạo chỉ còn 130 triệu USD so với 144 triệu USD; than đá 100 triệu USD so với mức 118 triệu USD.

Tuy nhiên, trong xu thế chung cuối năm, một số mặt hàng khác đã lấy lại được mức tăng trưởng, dù mức tăng là khá khiêm tốn như đồ gỗ tăng từ 254 triệu USD tháng trước lên 260 triệu USD; cao su từ 152 USD lên 161 triệu USD…

Cũng trong tháng 11, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của cả nước theo đà giảm mạnh và chỉ đạt 5,3 tỷ USD so với mức 5,7 tỷ USD của tháng 10/2008. Tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của cả nước ước đạt 75,4 tỷ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhập siêu vẫn đang ở mức 15,9 tỷ USD. Vì vậy, mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 20 tỷ USD có thể thực hiện được.

Các chuyên gia khuyến cáo là cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu để cải thiện cán cân thương mại bởi hiện nay trên thị trường giá một số mặt hàng xuất khẩu như dầu thô, gạo… giảm mạnh và làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, nhập khẩu giảm chủ yếu còn do giá cả thế giới giảm mạnh và một số hàng hoá trong nước khó tiêu thụ vì nhu cầu thấp. Đáng lưu ý, rất nhiều nhóm hàng nhập khẩu giảm lại rơi vào các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu như sắt thép, phụ liệu dệt may, da giày…/.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM