Xuất trái cây vào Mỹ: Có giấy phép thôi chưa đủ!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp chịu thiệt hại

Phát biểu tại hội thảo “Xuất khẩu nông sản vào Mỹ: Tìm hiểu rào cản kỹ thuật và đạo luật an toàn thực phẩm mới sửa đổi”, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc xuất khẩu của công ty TNHH Rồng Đỏ, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây, cho biết doanh nghiệp đang trong tình trạng vừa xuất hàng vừa phập phồng lo lắng cho các đơn hàng của mình.

Bắt đầu xuất khẩu thanh long từ năm 2009, Rồng Đỏ đã xuất khẩu 67 container thanh long bằng đường biển, chưa tính đường hàng không. Xuất khẩu khá suôn sẻ, cho đến gần đây cơ quan nhập khẩu của Mỹ đã nâng tần suất kiểm tra, lấy mẫu thanh long Việt Nam lên 100%. Do vậy, công ty đang phải tạm dừng xuất khẩu vì lo lắng cho số phận những lô hàng của mình.

Ông Thìn cho biết liên tiếp có 3 container bị Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) giữ lại để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

”Container đầu tiên bị giữ trong 4 ngày, container thứ 2 mất 7 ngày, còn container thứ 3 bị giữ 2 ngày, không phát hiện thì phía Mỹ mới ”thả” cho doanh nghiệp bán”, ông nói.

Điều đáng nói ở đây chính là các cơ quan chức năng Mỹ mặc dù đã cấp phép cho thanh long, chôm chôm của Việt Nam vào Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa công bố về chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Maximum Residue Limits – MRL) cho phép.

“MRL cho phép đối với thanh long bán vào Mỹ chưa có một mức cụ thể, có nghĩa là nếu phát hiện chất trừ nấm hoặc trừ sâu thì có quyền huỷ lô hàng đó. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhà xuất khẩu”, ông Thìn chia sẻ. 

Đi kèm với đó là thời gian lô hàng bị giữ lại ở cửa khẩu để kiểm tra trước khi thông quan đang rất vô chừng, trong khi  trái cây sau khi đến Mỹ trong vòng 7 ngày phải bán hết, nếu không sẽ chỉ còn đường… bỏ đi vì không còn đảm bảo chất lượng.

Theo thông tin một đối tác nhập khẩu Mỹ của công ty Rồng Đỏ cho biết do phòng thí nghiệm phía Mỹ đã quá tải khi áp dụng đạo luật mới này, khiến nhiều lô hàng trái cây bị khựng lại vì phải chờ kiểm tra.

Có trường hợp doanh nghiệp không được may mắn như công ty của ông Thìn, bên lề hội thảo, một doanh nghiệp cho biết đã bị thiệt hại một số container thanh long, trị giá khoảng 600 triệu đồng/container, do bị phát hiện hàm lượng chất bảo vệ thực vật trong lô hàng. Trong trường hợp này, lô hàng buộc phải hủy.

Rào cản kỹ thuật mới?

Theo một chuyên gia ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu trước đây thanh long và các loại trái cây khác xuất vào Mỹ chỉ phải kiểm tra an toàn dịch bệnh, nhưng giờ luật mới của Mỹ yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm. “Điều này do lượng thanh long xuất vào Mỹ tăng nhanh, đây có thể là một cách dựng hàng rào kỹ thuật”, ông nói.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, nếu như năm 2009 chỉ có 100 tấn thanh long được chiếu xạ theo quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ và xuất vào Mỹ thì đến năm 2010 được 856 tấn và ước tính đạt 1.300 tấn trong năm nay.

Còn ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad) thì cho rằng mỗi một quốc gia muốn đưa quy định, điều đầu tiên phải thực hiện đánh giá nguy cơ, rủi ro. Việc đánh giá này phải dựa trên bằng chứng và luận cứ khoa học có gây nguy hại cho sức khoẻ con người hay không?

“Do vậy việc Mỹ đơn phương áp đặt các quy định là rất đáng nói, nhất là sau khi trái cây Việt Nam phải trải qua rất nhiều quy trình và hợp tác nghiêm ngặt với Bộ Nông nghiệp Mỹ trong suốt thời gian dài để có thể bước chân vào thị trường này”, ông nói.

Như trường hợp trái thanh long Việt Nam, đã phải mất đến 4 năm để đáp ứng các quy trình sản xuất, chiếu xạ của phía Mỹ, đến năm 2008 mới xuất được lô hàng thanh long đầu tiên vào Mỹ.

Theo ông Matthew Lantz, Chuyên gia về chính sách thương mại nhiệt đới của dự án USAID STAR Plus, việc không có mặt trong danh sách dữ liệu MRL của Mỹ là vấn đề của không chỉ trái thanh long Việt Nam, mà nhiều loại trái cây nhiệt đới như nhãn, vải, nhập khẩu từ các nước khác cũng đang gặp phải.

“Bên cạnh đó, chỉ tiêu dư lượng hóa chất cũng không được “chia sẻ” giữa các loại trái cây khác nhau”, ông Lantz nói. 

Ông cũng đề nghị các cơ quan nông nghiệp Việt Nam cùng làm việc với Bộ Nông nghiệp Mỹ để sớm đưa ra quy chuẩn, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm hịên nay, đã có thanh long và chôm chôm và một số loại trái cây Việt Nam khác là vải, nhãn, vú sữa và xoài cũng đang tiến hành các quy trình để có thể tiếp cận thị trường Mỹ trong tương lai.  

Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (Food Safety Modernization Act – FSMA) là “phiên bản” mới nhất của Luật liên bang về Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm của Mỹ (FDCA) có hiệu lực từ năm 1938, cho phép Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) can thiệp sâu hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ, trong trường hợp Việt Nam là trái cây, nông sản, thủy sản. Do vậy FSMA bị các nước xuất hàng vào Mỹ đánh giá có khả năng gây khó khăn cho hàng hóa của họ. Luật được Tổng thống Obama ban hành vào ngày 4 -1-2011.

Những thay đổi quan trọng của luật Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) so với trước đây: 

– Áp dụng phương thức kiểm tra tại cảng đến và đang đối mặt với tình trạng quá tải khi khối lượng nhập khẩu tăng. 

– Các nhà nhập khẩu có trách nhiệm bảo đảm rằng các nhà cung ứng nước ngoài đã áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm soát phòng ngừa. Đặc biệt là yêu cầu thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài phải an toàn như thực phẩm trong nước.

– Vấn đề chính của FSMA tăng số lần kiểm tra nhà máy, củng cố các hệ thống lưu trữ hồ sơ và truy nguyên nguồn gốc, đặc biệt với rau và quả. Đã thực hiện việc đăng ký cơ sở thực phẩm và sẽ được mở rộng, tái đăng ký thường xuyên hơn, cần các thông tin bổ sung.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online