Xây dựng Luật Giáo viên: Để chấn hưng giáo dục
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chất lượng và đạo đức giáo dục còn yếu

PGS-TS Nguyễn Hữu Bạch (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: “Đội ngũ giáo viên còn tồn tại nhiều bất cập cả về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giáo dục và phẩm chất đạo đức. Theo kết quả giám sát của ủy ban Văn hóa giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội năm 2006, có đến 20% giáo viên chưa đạt yêu cầu về năng lực sư phạm, 11,6-23,8% (tùy theo cấp học) không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, 3-5% giáo viên các cấp phổ thông chưa đạt trình độ chuẩn về đạo đức nghề nghiệp”.

Gần đây nhất, kết quả điều tra thí điểm ở 9 tỉnh của Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Quyết định 09/QĐ -TTg cho thấy, ở bậc mầm non, còn 18,2% giáo viên không đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, 30,4% chưa đạt yêu cầu về năng lực sư phạm. Bậc tiểu học còn tới 23,8% giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, 3,5% giáo viên mới có trình độ gần trung cấp. Bậc THCS và PTTH có khoảng 10-20% chưa đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm. Đặc biệt ở bậc đại học, tỉ lệ giảng viên có học hàm học vị còn thấp, dẫn đến chất lượng giảng dạy không cao. Một vấn đề khác cũng cần lưu tâm là sự mất cân bằng giữa tỷ lệ giảng viên và học viên (30 sinh viên /giảng viên, trong khi con số này ở các nước tiên tiến là 15-20 sinh viên /giảng viên).

Bên cạnh chất lượng giáo dục, vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng đang tồn tại nhiều bất cập.

Do tác động của cơ chế thị trường, đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ giáo viên suy thoái về đạo đức, biến giáo dục trở thành “mảnh đất” kinh doanh. Nhiều giáo viên coi việc dạy thêm như là cách để tăng thu nhập. Thương mại hoá cũng đang ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục ở nhiều trường đại học. Chính vì vậy, đạo đức của đội ngũ giáo viên đang được “xem xét” trong tương quan với yêu cầu của nghề nghiệp, trong sự so sánh với quan niệm nghề nghiệp truyền thống, trong tiến trình phát triển của xã hội, yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và trách nhiệm đối với thế hệ tương lai.

Cần một bộ luật dành riêng cho nghề giáo?

Khi đạo đức nhà giáo trở thành vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội thì việc đưa phạm trù có tính chất trừu tượng này vào Luật Giáo viên là điều cần thiết.

Về vấn đề này, GS. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Việc xây dựng văn bản luật này sẽ là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý cho lĩnh vực giáo dục. Các quy định điều chỉnh quan hệ như vị trí, vai trò của nhà giáo; tiêu chuẩn nhà giáo; hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; việc đào tạo, bồi dưỡng… hiện đã có tương đối đầy đủ trong Luật Giáo dục, Pháp lệnh cán bộ, công chức cùng các văn bản dưới luật liên quan đến nhà trường, nhà giáo. Tuy nhiên, không thể tập hợp, rà soát, rồi chỉnh lý các quy định này để xây dựng Luật Giáo viên. Lý do là các quy định này còn mang tính tình thế, thiếu sự tiếp cận nhất quán”.

Có nhiều ý kiến và nhận định khác nhau về vấn đề này, song nếu được ban hành, Luật Giáo viên không chỉ cần chú trọng đến việc nâng cao vị thế xã hội của nhà giáo trong nhận thức xã hội mà cần mở rộng sang các yếu tố khác nữa. Cần cải thiện chế độ lương, phụ cấp và khen thưởng theo hướng đãi ngộ xứng đáng với người giỏi, động viên người trung bình, cho thôi việc hoặc chuyển công tác khác những người kém. Cải thiện điều kiện giảng dạy, tài liệu và thiết bị dạy học cùng với những quy định về giờ lên lớp, tỷ lệ giáo viên và học sinh.

Theo PGS.TS Lê Quang Trung, Phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo (Văn phòng Chính phủ), Luật Giáo viên phải gắn bó với nội dung các luật đã ban hành, đặc biệt là Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề; những vấn đề chung trong các luật phải được cụ thể hóa và làm rõ hơn một cách có hệ thống; quy định về giáo viên phải gắn với đặc thù riêng của từng cấp học, đồng thời phải khắc phục những hạn chế trong các luật đã ban hành.

Tri thức là con đường ngắn nhất để phát huy nguồn lực con người, một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước, trong khi đó, những vấn đề tiêu cực trong giáo dục thời gian qua đã lên tới mức báo động thì việc ra bộ luật giành riêng cho giáo viên cũng là điều nên làm.

Nguồn: Báo Kinh tế Nông thôn