Hạn chế tác động tiêu cực đến doanh nghiệp 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Theo ý kiến của nhiều hiệp hội, ngành hàng về dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì có nhiều nội dung, quy định chưa phù hợp, còn bất cập dẫn đến khó thực hiện cần được điều chỉnh, bổ sung trước khi thông qua.

Theo đó, đại diện một số hiệp hội, ngành hàng cho rằng, nhiều điểm trong dự thảo Nghị định bị trùng lặp, không hiệu quả. Cụ thể, trước đây chỉ có các dự án gây ô nhiễm môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp giấy phép môi trường thì với quy định mới, các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II, kể cả đã hoạt động cũng phải làm đánh giá tác động và xin cấp giấy phép môi trường… Quy định này làm gia tăng thủ tục hành chính do hồ sơ và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lặp…

Hay quy định việc lấy mẫu kiểm tra các công trình xử lý chất thải khi còn chưa vận hành thử nghiệm là không hợp lý. Khi chưa vận hành thì làm sao có kết quả chính xác? Rõ ràng đây là quy định không có hiệu quả. Hơn nữa, chỉ cấp phép tiền kiểm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm – đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ý kiến.

Ngoài bất cập này, đại diện Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam cũng chỉ ra nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ cách gọi “đóng góp” chứ không gọi là phí tái chế trong dự thảo khiến doanh nghiệp quan ngại rằng khoản này sẽ nằm ngoài ngân sách nhà nước, có thể sẽ không chịu sự quản lý theo luật phí và lệ phí mà do Văn phòng tái chế sản phẩm bao bì (EPR) tự quyết định. Và rằng, với quy định này, dù doanh nghiệp phải nộp thêm một khoản nhưng cơ sở nào để bảo đảm môi trường sẽ sạch hơn? Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, công thức tính phí cũng chưa rõ ràng, tỷ lệ tái chế bắt buộc 80 – 90% ngay từ lúc đầu trong dự thảo là quá cao, do đó đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến ngày 1.1.2025 vì nếu Nghị định áp dụng vào ngày 1.1.2022 thì doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm chi phí trong khi còn đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài những vấn đề trên, đại diện một số doanh nghiệp cũng đề nghị bổ sung về dữ liệu trạm quan trắc tự động được sử dụng làm căn cứ đối chiếu với kết quả kiểm tra phân tích của các đợt thanh tra, kiểm tra vào dự thảo nghị định nhằm đánh giá một cách khách quan việc chấp hành pháp luật về môi trường của chủ nguồn thải. Cần xem xét lại quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bởi các kết quả thí nghiệm đều có sai số giữa lần đo thứ nhất với lần đo thứ hai đối với cùng một mẫu. Hoặc sai số kết quả đo giữa 2 đơn vị thí nghiệm với cùng một mẫu nước có thể sẽ cho kết quả khác nhau… Do đó, việc không bảo đảm chỉ một chỉ tiêu so với quy chuẩn cho phép sẽ bị xử phạt rất nặng và trở thành “điểm đen” về môi trường sẽ gây khó khăn và áp lực rất lớn cho doanh nghiệp…

Sau khi các hiệp hội, ngành hàng cũng như doanh nghiệp có ý kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thông tin phản hồi nhằm làm rõ thêm vấn đề. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc, trao đổi với các hiệp hội, ngành hàng về các kiến nghị liên quan. Bởi yêu cầu trên hết, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là các quy định phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình hiện nay và thời gian tới, khi dịch Covid-19 còn có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.