Làm chủ công nghệ vaccine 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Nhằm thực hiện thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; chiến lược vaccine cần tiếp tục được đẩy mạnh. Thực tế, không ít lần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm: mua và nhập khẩu vaccine phòng Covid-19; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất và doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19. Sự kiện lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất tại Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) vừa được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, là bước tiến lớn trong việc nhận chuyển giao công nghệ vaccine phòng Covid-19, giúp người dân Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vaccine chất lượng.

Trước đó ít ngày, vaccine Nanocovax của Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen cũng được đánh giá là đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (mặc dù vẫn cần tiếp tục đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt). Bên cạnh đó, vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, phát triển, phấn đấu tháng 12.2021 sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Cũng như vaccine Covivac, vaccine ARCT-154 do Tập đoàn Vingroup nhận chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ đã khởi động giai đoạn 1, đang nỗ lực hoàn thành đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào cuối năm 2021, để đầu năm 2022 có thể đăng ký xem xét, cấp phép…

Nói như nhiều chuyên gia, việc phát triển vaccine thành công sẽ là dấu ấn, nâng vị thế của Việt Nam lên rất cao, tạo tiền đề cho xuất khẩu. Bởi đến nay, chỉ có một số ít quốc gia phát triển thành công vaccine Covid-19, còn lại, bản chất là nhận chuyển giao công nghệ. Phát triển thành công vaccine đã khó nhưng phát triển trong thời gian ngắn lại càng khó hơn. Bởi thế, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ có liên quan phải “xắn tay áo” vào cuộc, hướng dẫn về quy trình, thủ tục để các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine, không để vì thủ tục hành chính mà ách tắc công việc. Tất nhiên, vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định về pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Thực tế, nhiều quốc gia cũng đang chạy đua nghiên cứu và phát triển vaccine. Có thể kể tới Thái Lan với 3 loại vaccine là Baiya SARS-CoV Vax 1, ChulaCov19 và NDV-HXP-S. Trong đó, ChulaCov19 là loại vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được nghiên cứu, sản xuất, đã tiến hành thử nghiệm trên người từ giữa tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, Thái Lan cũng dự định cuối năm nay sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine phòng Covid-19 dạng xịt mũi; nếu các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt, Thái Lan đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt vaccine dạng xịt vào giữa năm 2022. Với Indonesia, quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, vaccine Merah Putih của nước này có thể hoàn tất thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022…

Nói như nhiều chuyên gia, vaccine là khâu quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh trước mắt và lâu dài, do đó, để làm chủ công nghệ vaccine, việc đầu tư xây dựng bài bản một trung tâm nghiên cứu vaccine cũng rất cần thiết. Còn nhớ, trong buổi làm việc với Bộ Y tế vào tháng 7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế xây dựng Đề án thành lập Viện Vaccine quốc gia, gắn với Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

Trước đó, tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hồi tháng 6, Học Viện Quân y cũng đề xuất sớm triển khai Dự án “Trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người”, với chức năng nghiên cứu các loại mầm bệnh, phát triển, sản xuất các loại sinh phẩm để phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh dịch nguy hiểm. Trung tâm cũng nghiên cứu các công nghệ nền tảng trong phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất các loại vaccine phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, gấp rút sản xuất vaccine “made in Vietnam”; hướng tới xây dựng trung tâm đủ tầm cỡ để tập trung nghiên cứu chuyên sâu về vaccine; được kỳ vọng sẽ giải được bài toán khống chế dịch Covid-19, góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành dược, đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh khẩn cấp.