Khoảng trống pháp lý trong hoạt động từ thiện 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, trong đó vấn đề đáng chú ý là dự thảo Nghị định bổ sung quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án để quản lý vấn đề cá nhân vận động từ thiện. ​​Phương án 1 quy định theo hướng, khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận đối với tiền, địa điểm tiếp nhận đối với hiện vật.

Cá nhân cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như bảo đảm an toàn, trật tự xã hội. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải bảo đảm tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.

Phương án 2 chỉ quy định một điều cụ thể là khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thực tế, khi Nghị định 64/2008 được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cấp và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phát huy vai trò trong vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành. Đặc biệt còn hạn chế trong việc tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực, chủ động trong các hoạt động từ thiện.

Những tồn tại, bất cập này có cả nguyên nhân khách quan, có cả chủ quan. Thế nhưng điều quan trọng nhất là hiện nay hệ thống pháp luật chưa có các quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc kêu gọi tài trợ, kêu gọi từ thiện. Chưa tạo được hành lang pháp lý để định hướng cũng như hỗ trợ các cá nhân, tổ chức có mong muốn được làm từ thiện, quyên góp từ thiện nói chung. Và hệ quả là yếu tố minh bạch trong các hoạt động đã không được bảo đảm. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn dẫn chứng: Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng làm từ thiện, tuy nhiên do chủ yếu xuất phát từ cái tâm, từ mong muốn được sẻ chia, giúp đỡ người khác, thậm chí là ngẫu hứng, không theo kế hoạch và bài bản, chuyên nghiệp nên đã dẫn đến những ồn ào không đáng có…

Vậy nên, đã đến lúc cần có nghị định mới thay thế Nghị định 64 nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý, là cơ sở để các cơ quan chức năng quản lý, giám sát hoạt động này hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia.