Tinh gọn gắn với hiệu quả hoạt động của bộ máy 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
“Chúng ta không phải giảm để mà giảm. Cắt giảm gì, tinh giản gì, sắp xếp thế nào, cuối cùng vẫn phải là nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này tại Phiên họp thứ Ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021”.

Thực tế cho thấy, việc chia, tách, thành lập mới đơn vị hành chính trước đây đã làm cho số lượng đơn vị hành chính các cấp tăng lên. Điều đó làm cho các nguồn lực, tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương bị phân tán, lãng phí nguồn ngân sách cho đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, số lượng cán bộ, công chức địa phương tăng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách, nhiệm vụ đặt ra là phải sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, trong đó có bộ máy hành chính ở địa phương.  

Nghị quyết số: 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nêu rõ: từng bước thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định; đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính để làm cơ sở xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại đơn vị hành chính. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số: 653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Theo đó, việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm theo hướng tinh gọn, hợp lý, không làm tăng thêm đầu mối các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương; bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Thực hiện yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, từ năm 2019 – 2021, chúng ta giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm được 591 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là một sự nỗ lực lớn của các địa phương trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy rất đáng được ghi nhận.

Chủ trương, yêu cầu về việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã có, nhưng khi bắt tay vào làm, nhiều “người trong cuộc” cho rằng cũng “rất gian nan”. Bởi sắp xếp tổ chức bộ máy là gắn liền với tinh giản biên chế, đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến quyền và lợi ích cá nhân. Nếu không có sự quyết tâm của người đứng đầu sẽ rất khó để thực hiện. Thậm chí, thực hiện sắp xếp không khéo léo, không khách quan, rất có thể sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực xã hội không đáng có.

Trong điều kiện ngân sách eo hẹp và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong tình hình mới, đòi hỏi bộ máy phải được sắp xếp, tinh gọn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, việc sắp xếp tổ chức bộ máy có tinh giản được biên chế, giảm được đầu mối và có thực sự tiết giảm được chi phí ngân sách hay không?

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất thẳng thắn: có nơi nói rằng sắp xếp bộ máy biên chế tốt lắm, nhưng cuối năm, cuối khóa kiểm tra lại thì chi thường xuyên không giảm, hoặc có giảm được chút ít. “Chúng ta giảm đầu mối, giảm cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, huyện… cuối cùng quan trọng là giảm được bao nhiêu biên chế, giảm được bao nhiêu đầu mối và tiết kiệm được kinh phí như thế nào”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tinh gọn đầu mối các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Tuy nhiên, việc sắp xếp chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu như nhận được sự đồng thuận của người dân. Cùng với đó là “tâm phục, khẩu phục” khi chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công cấp xã, phường, thị trấn; hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương được nâng lên và giảm được gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy. Do đó, việc sắp xếp và hiệu quả của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, đơn vị hành chính cấp xã phải được xem xét thấu đáo trên tất cả các phương diện này.

Cần nhấn mạnh rằng, hiệu quả của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, đơn vị hành chính cấp xã không chỉ qua số đơn vị hành chính được giảm bởi việc sáp nhập. Điều quan trọng là, việc sắp xếp phải mang lại hiệu quả thực chất. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “mục tiêu cuối cùng là phải nâng cao được năng lực, hiệu lực hoạt động của bộ máy của chúng ta”.