Trung thu cho trẻ mồ côi do Covid 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Có lẽ không ai ngờ “bão” Covid-19 quét qua TP. Hồ Chí Minh lại tàn khốc, để lại nhiều đau thương đến thế. Chỉ trong đợt dịch lần thứ 4 đã có hơn 1.500 trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh rơi vào cảnh mồ côi, có em mất cha, mất mẹ, có em mất cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa. Với những đứa trẻ đang ở tuổi ăn, học thì việc bắt đầu một cuộc sống thiếu vắng người thân quả thực rất khó khăn.

Thực ra, thời điểm hiện tại khi dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa phải là thời điểm tổng kết những số liệu đau lòng đó nhưng cũng cho thấy sự khủng khiếp cả đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến các gia đình thế nào. Nhất là đa phần các cháu mồ côi do dịch Covid-19 đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nỗi đau này không gì có thể bù đắp được. Trung thu năm nay vì thế mà càng trở nên hiu hắt, xa vời với các em.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã có văn bản chỉ đạo các địa phương lập danh sách trẻ em mồ côi vì Covid-19, tham mưu xây dựng chính sách trước mắt cũng như lâu dài để chăm lo cho các em. Trung thu năm nay, các cấp chính quyền, đoàn thể của thành phố cũng dành sự quan tâm cao nhất để động viên, hỗ trợ các em. Một số hội nhóm, tổ chức thiện nguyện ngoài việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng học tập… thì còn trao hàng nghìn suất quà cho các em gồm bánh trung thu, đồ chơi trung thu cho các em.

Trong lúc này, để đồng hành với trẻ em mồ côi vượt qua nỗi đau mất mát, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất theo chính sách của Nhà nước, những chương trình an sinh của các địa phương đã và đang thực hiện, còn cần cả những hỗ trợ về văn hóa, tinh thần từ cộng đồng. Bởi ngoài vấn đề cơm áo, học hành, còn đó nỗi lo bị ảnh hưởng tâm lý, tổn thương tinh thần do dịch bệnh kéo dài, tổn thương vì thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Sự hỗ trợ về mặt tinh thần không chỉ duy nhất trong ngày Tết trung thu mà cần xuyên suốt, liên tục trong thời gian dài để các em không thấy mình đơn độc.

Nhiều chuyên gia cũng lo ngại khi phải dồn sức tập trung chống dịch, chúng ta có thể thiếu những biện pháp tích cực để chăm sóc trẻ mồ côi bởi Covid-19. Nếu bỏ lỡ thời gian vàng để động viên, hỗ trợ, nếu không được sắp xếp hợp lý, sẽ kéo theo những ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống các em. Hơn bao giờ hết, chính quyền các cấp cần có một kế hoạch cụ thể, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân, góp sức hỗ trợ, đồng hành với các em, những đứa trẻ kém may mắn, mất cha, mất mẹ. Ngoài sự hỗ trợ vật chất, tinh thần từ gia đình và xã hội, thậm chí phải tính đến có các chương trình tư vấn tâm lý giúp các em vượt qua nỗi đau bơ vơ không nơi nương tựa sau đại dịch.

Nước Mỹ cũng là quốc gia có nhiều trẻ mồ côi vì có cha mẹ mất vì Covid-19. Theo nhà tâm lý Kathryn Cullen (Đại học Y khoa Minnesota), thời điểm hỗ trợ có thể rất quan trọng: “Trong hai năm đầu sau khi mất bố/mẹ là giai đoạn cực kỳ rủi ro mắc chứng trầm cảm”. Những sang chấn tâm lý này có thể kéo vài năm sau, thậm chí là cả đời nếu không được quan tâm đúng mức. Những nghiên cứu đó cho thấy việc giúp đỡ, nâng đỡ kịp thời cho trẻ em mồ côi vì Covid-19 ở nước ta nên tiến hành sớm, ngay thời điểm hiện nay, coi đó là nhiệm vụ cấp bách để giúp các em vượt qua những cú sốc rất lớn về tinh thần.

Trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 sẽ là vấn đề tiếp tục kéo dài, phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho các em cả trước mắt và lâu dài, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc những đứa trẻ không có người thân. Hàng triệu món quà trung thu của các tổ chức, cá nhân gửi tới các em nhỏ vùng tâm dịch, trong đó có em mồ côi cha mẹ cần được phát huy với chiến lược lâu dài hơn, bài bản hơn.

Vẫn biết rằng mọi sự hỗ trợ không thể giải quyết hết những khó khăn, mất mát đối với các em nhưng ít nhất là các em cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương, là điểm tựa tinh thần vượt qua những sang chấn tâm lý, tiếp thêm nghị lực cho các em vượt lên hoàn cảnh, số phận.