Tự phát hiện tham nhũng nội bộ “vẫn là khâu yếu”! 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của Ủy ban Tư pháp nhận định: Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu.

Đây không phải là lần đầu tiên nhận định “khâu yếu” trong tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng được đưa ra. Trong Báo cáo thẩm tra gửi đến Quốc hội, Kỳ họp thứ Mười, Khóa XIV thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đã chỉ rõ, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Câu hỏi đặt ra là, một “khâu yếu” tồn tại nhiều năm, sao vẫn chưa được khắc phục?

Trong Tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng trên địa bàn Hà Nội, UBND TP. Hà Nội cho biết, trong 12 năm qua (từ 1.6.2009 đến 1.6.2020), qua công tác tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện và xử lý tham nhũng trường hợp nào. Hay trong Báo cáo của Công an tỉnh Hưng Yên năm 2021 cũng cho thấy, việc tự phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị hầu như không có.

Nếu nhìn vào kết quả tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện và xử lý tham nhũng trường hợp nào có thể là một tín hiệu lạc quan. Điều này cũng cho thấy cơ quan, đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác phòng ngừa; cán bộ, công chức trong sạch, không có hành vi tham nhũng. Nhưng đáng tiếc là, cũng trong giai đoạn này, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử 265 vụ với 777 bị cáo, số tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng xét xử đã được thu hồi là hơn 7.623 tỷ đồng.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có kết quả thống kê có bao nhiêu địa phương, cơ quan, đơn vị có sự “vênh” nhau giữa kết quả tự kiểm tra nội bộ về phát hiện và xử lý tham nhũng với kết quả của các cơ quan chức năng trong giải quyết các vụ án tham nhũng. Nhưng thực tế này cũng đặt ra vấn đề rất đáng lo ngại, đó là chất lượng cán bộ, công chức làm công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn non yếu về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

Không phủ nhận rằng, tội phạm tham nhũng được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn và hiểu biết pháp luật, nên hành vi phạm tội có độ ẩn cao, được che đậy một cách tinh vi, không dễ phát hiện. Tuy nhiên, cũng không loại trừ người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến công tác này, cũng có thể do tâm lý nể nang, né tránh, thậm chí dù không nhiều nhưng có tình trạng tham nhũng trong chính những người làm công tác phòng, chống tham nhũng.

Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Coi kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Trong phòng, chống tham nhũng, thì phòng là chính. Nếu công tác phòng được làm tốt thì hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất đã không bị thất thoát bởi những cán bộ thoái hóa biến chất tham nhũng. Do đó, điều quan trọng là phải làm thật tốt công tác phòng ngừa, sớm phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ.

Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị đã quy định rất cụ thể. Để nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng, ngoài nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác kiểm tra nội bộ, tăng cường kiểm tra công vụ. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm, hiệu quả công tác này làm căn cứ xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Kiên quyết xử lý người đứng đầu khi để “lọt” hành vi tham nhũng. Không thể hàng nghìn tỷ đồng tham nhũng được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, trong khi kiểm tra nội bộ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu tham nhũng nào mà người đứng đầu lại “vô can”!