Kỹ càng, bài bản và khoa học 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tại Tọa đàm lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) được Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, các ý kiến đều cho rằng, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 đã góp phần tăng cường quản lý đất đai, khai thác nguồn thu từ đất đóng vai trò quan trọng vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả vẫn còn những tồn tại nhất định như chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa cao; đánh giá dự báo chưa sát thực tiễn và chưa bảo đảm khả năng cân đối nguồn lực thực hiện; kết nối liên thông vùng, địa phương, tỉnh còn hạn chế; việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế. Công tác quản lý thực hiện ở một số nơi còn chưa nghiêm, đánh giá kết quả thực hiện chưa toàn diện, nguồn lực bố trí chưa đầy đủ, kịp thời; ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Bởi vậy, để khắc phục những hạn chế này, yêu cầu đặt ra với dự thảo Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) là phải đáp ứng được các mục tiêu lớn như xác định được định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng các nhóm đất lớn như nông nghiệp, đất rừng, đất phi nông nghiệp… từ đó tạo quỹ đất để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đồng thời bám sát chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về các định hướng, chiến lược lớn trong lĩnh vực đất đai.

Mặt khác, do quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch nền tảng, toàn diện nên cần đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương tạo tính liên kết vùng, liên tỉnh. Quy hoạch, kế hoạch này phải bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn, hài hòa giữa mục tiêu phát triển và bảo vệ, bảo tồn, bảo đảm tiềm năng, nguồn lực đất đai được sử dụng một cách hiệu quả. Đồng thời phải quy hoạch và khoanh vùng không gian sử dụng đất, hoạch định và phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2021-2030. Đặc biệt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần bảo đảm quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực, sử dụng đất hợp lý, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững…

Nhấn mạnh thêm về những mục tiêu này, tại phiên họp đầu tiên Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng đây vừa là cơ sở, vừa là động lực để phát triển kinh tế – xã hội. Bởi vậy phải có tính thực tiễn cao để phục vụ phát triển, vừa phải có tính khoa học, thận trọng để bảo đảm có không gian, tầm nhìn phát triển, nhất là bám sát mục tiêu, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tôn trọng tự nhiên. Bên cạnh đó, phải đề ra định hướng cụ thể để đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển gắn với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Bởi vậy, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, điều cần thiết là phải kỹ càng, bài bản, khoa học. Nếu không sẽ không tạo được diện mạo, không gian phát triển cho mỗi ngành, mỗi địa phương cũng như cả nước.