Sớm gỡ khó cho doanh nghiệp 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Số ca nhiễm Covid-19 mấy ngày gần đây đang giảm dần, nhiều “vùng xanh” đã được mở rộng. Một số địa phương đã nới lỏng biện pháp giãn cách… Đây là những tín hiệu tích cực trong kết quả phòng, chống dịch của nước ta những ngày qua. Yêu cầu đặt ra lúc này là cần có các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt hơn, tháo gỡ những rào cản thủ tục không cần thiết để sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vào trạng thái “bình thường mới”.

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tấn công vào nhiều khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, với những biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, nhiều khu, cụm công nghiệp đã được kiểm soát và hoạt động trở lại. Tính trong 8 tháng năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 140 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 96.500 tỷ đồng; đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp. Đây là “điểm sáng” rất đáng mừng trong hoạt động “bình thường mới” của doanh nghiệp trong đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng này, nhiều doanh nghiệp đang phải đối diện với không ít khó khăn, đó là chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, điều này sẽ gây hậu quả là đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ…

Để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, việc xét nghiệm là cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, phương pháp, thời hạn tính kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với lái xe chở hàng đang được nhiều địa phương áp dụng không đồng nhất, thậm chí có nơi còn yêu cầu lái xe phải xét nghiệm tới 3 lần cho cùng một chuyến hàng lưu thông, làm phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp khi phương tiện, người lái và hàng hóa phải lưu lại chờ kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, không ít địa phương đã có những quy định kiểm soát phòng, chống dịch mang tính cực đoan, thái quá có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới vận tải, lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ thực tế đó, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị, cần thống nhất quy định lái xe chỉ cần xét nghiệm PCR một lần/tháng nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Đối với lái xe chưa tiêm đủ, cần có kết quả test nhanh trong vòng 72 giờ để giảm thiểu chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Mặt khác, cần sớm chấm dứt tình trạng địa phương ban hành các văn bản như một “giấy phép con”, cản trở lưu thông hàng hóa, gây khó doanh nghiệp như đã từng xảy ra.

Không chỉ gánh chịu bởi những văn bản “vênh” với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp khi thực hiện “3 tại chỗ” còn gánh chịu những chi phí lớn từ việc xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Trong khi doanh nghiệp cho rằng, nếu được chủ động tự xét nghiệm sẽ bớt đi một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nghị quyết này nêu rõ, trong tháng 9.2021, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm. Đến thời điểm này, văn bản này chưa được ban hành. Thời gian còn lại của tháng 9 không còn nhiều, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp.