10 sự kiện nổi bật năm 2016 của ngành tư pháp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin

Ngày 6/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin. Đây là sự kiện pháp lý quan trọng, giúp hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.

2. Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản – bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế đấu giá tài sản, bảo đảm việc xử lý tài sản khách quan, công khai, minh bạch, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước

Ngày 17/11/2016, với trên 84% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu giá tài sản. Đây là văn bản luật đầu tiên được Quốc hội khóa XIV thông qua, tạo dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, góp phần bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

3. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có bước tiến mới, bảo đảm tốt hơn yêu cầu về tiến độ, chất lượng, nổi bật là việc thẩm định chùm nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nợ đọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây

Trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2016, toàn ngành tư pháp đã tổ chức thẩm định 11.885 dự thảo VBQPPL, trong đó Bộ Tư pháp thẩm định 291 dự thảo.

4. Lần đầu tiên hệ thống thi hành án dân sự hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ, qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân

Năm 2016, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 530.428 việc, đạt tỉ lệ 78,53% trên tổng số việc có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 8,53% và trên 29.097 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 33,74% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 3,74%, giảm số việc, tiền có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau. 

5. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III đã được tổ chức thành công trong cả nước, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia, góp phần và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải tỏa mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ngay tại cộng đồng dân cư

Sự thành công của Hội thi đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, trở thành đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng; góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho đông đảo các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức.

6. Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, bước chuyển mới trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp

Ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thực hiện chủ trương và các chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

7. Triển khai phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp “Số định danh cá nhân” đáp ứng các yêu cầu của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, đặt nền móng xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền đăng ký khai sinh của người dân

Triển khai thi hành Luật Hộ tịch và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm đồng bộ với các quy định của Luật Căn cước công dân, từ ngày 1/1/2016, Bộ Tư pháp, phối hợp với Bộ Công an triển khai và từng bước mở rộng triển khai, áp dụng chính thức phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp Số định danh cá nhân tại Bộ Tư pháp và 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Nghệ An, Sóc Trăng và Vĩnh Long. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp, Bộ Tư pháp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại cả 4 cấp chính quyền.

8. Chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành nội dung trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo cơ sở bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, từng bước xóa bỏ tình trạng nghèo đa chiều

Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, theo đó, tiếp cận pháp luật được xác định là một trong các nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

9. Hợp tác pháp luật được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện trên mọi bình diện đa phương và song phương với điểm nhấn là Việt Nam gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) và tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ 3

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; đồng thời mở ra cơ hội để các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế để phục vụ việc hoàn thiện thể chế, pháp luật quốc gia.

10. Đóng góp quan trọng của Đại học Luật Hà Nội cho sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày thành lập Đại học Luật Hà Nội, gần 80 đại biểu Quốc hội khóa XIV, những người từng giảng dạy, công tác, học tập tại Trường đã hội tụ, giao lưu với các thế hệ giảng viên, sinh viên của Trường. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Nhà trường nói riêng và Bộ, ngành tư pháp nói chung với các hoạt động của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội; gắn kết hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường với thực tiễn và hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Đồng thời, sự kiện này cũng khẳng định năng lực, uy tín trong đào tạo và nghiên cứu luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội; tạo động lực để Trường tiếp tục thực hiện tốt công tác giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực tư pháp và pháp luật cho đất nước trong thời gian tới. 

(Theo Bộ Tư pháp)