11% hộ kinh doanh né lên doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa thực hiện trên 6 tỉnh thành. Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển DN, CIEM – cho biết theo Tổng cục Thống kê, hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 20% hoạt động trong ngành công nghiệp – xây dựng, tức là lĩnh vực sản xuất vật chất. Còn lại có tới 80% trong ngành thương mại – dịch vụ, chủ yếu là bán lẻ, lưu trú, ăn uống.

* Qua khảo sát, mức độ hộ kinh doanh muốn “né” lên DN có đáng quan ngại không, thưa ông?

– Nghiên cứu điều tra được thực hiện với khoảng 400 hộ kinh doanh ở 6 tỉnh thành. Trong số này có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Trên thực tế con số chuyển đổi là rất ít.

* Vậy kết quả điều tra đã chỉ ra những nguyên nhân nào khiến các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành DN?

– Hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn so với DN về nộp thuế và chế độ kế toán, lợi thế hơn về sự đơn giản trong thủ tục đăng ký thành lập… Cũng phải nhìn nhận khách quan rằng quy định và thủ tục chuyển hộ kinh doanh thành DN còn phức tạp. Hộ muốn chuyển phải giải thể hộ kinh doanh. Hiện nay chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa sau chuyển đổi chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, phần lớn hộ kinh doanh quen với tập quán kinh doanh nhỏ lẻ nên ngại thay đổi.

Cần 3 chế độ kế toán

* Vậy theo ông, giải quyết bài toán này thế nào để thúc đẩy việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN?

– Mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 là một mục tiêu quan trọng, song theo tôi, không nên bằng mọi cách để chuyển thật nhiều hộ kinh doanh thành DN.

Cần xuất phát từ lý do tại sao hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi, đó là do chi phí tuân thủ cao, thủ tục phiền hà.

Do đó, cần giảm chi phí, tạo thuận lợi về chế độ kế toán, thuế và thêm mô hình tổ chức đơn giản, thuận tiện…

Cụ thể, cần xây dựng và ban hành hẳn một chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Theo tôi, nên cho phép hộ kinh doanh khi chuyển thành DN được kế thừa những giấy phép đã có, kể cả với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Có nhiều cơ chế khác có thể khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN như: miễn thuế môn bài, ưu đãi thuế thu nhập DN, cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản…

Cần có 3 chế độ kế toán cho họ, ví dụ chế độ kế toán cho nhóm DN vừa, chế độ cho nhóm nhỏ, chế độ cho DN siêu nhỏ. Trong đó, chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ cần đơn giản, giảm lượng sổ sách kế toán.

* Nếu không cải cách thuế khoán, hộ kinh doanh sẽ cứ mãi muốn nằm im ở mô hình cũ?

– Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, số lao động, địa bàn…

Có tiêu chí thuế cụ thể đó sẽ góp phần loại bỏ cơ chế “thỏa thuận thuế”, hạn chế tiêu cực để giảm cơ hội tham nhũng của cán bộ thuế, khắc phục tình trạng “chung chia” thuế…

Ngọc An
Theo Tuổi Trẻ