26.9, áp dụng nộp thuế thu nhập cá nhân với bất động sản: Một số quy định vẫn cứng nhắc!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định liên quan đến vấn đề này còn cứng nhắc, gây bất lợi cho người nộp thuế, thậm chí mang tính chất tận thu.

Chuyển nhượng hợp đồng góp vốn: Có nên đánh thuế?

Một số luật gia cho rằng, Nhà nước cần tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng để thấy rằng khoản thu nhập nào đáng thu thuế thì hãy thu, khoản nào đáng được miễn thuế thì nên miễn, tránh quan điểm tận thu. Ngay cả việc, thông tư ban hành chỉ sau 45 ngày đã có hiệu lực, nhiều người cũng cho rằng như vậy là quá gấp?. Hiện nay, các Cục Thuế Hà Nội, TP.HCM đều đã triển khai hướng dẫn. Việc tính thuế với các trường hợp chuyển nhượng BĐS chưa có chủ quyền cũng áp dụng như chuyển nhượng BĐS có chủ quyền, là 25 phần trăm trên chênh lệch giá bán trừ giá mua (nếu có đủ hồ sơ chứng từ hợp lệ xác định được giá bán, giá vốn và các chi phí có liên quan). Trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí có liên quan thì áp dụng thuế hai phần trăm tính trên giá chuyển nhượng. Tổng cục Thuế cho biết, sẽ áp dụng cơ chế tự khai tự chịu trách nhiệm như trường hợp đối với căn nhà duy nhất. Nhà đầu tư có thu nhập từ chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua BĐS sẽ tự kê khai và nộp thuế TNCN cho cơ quan thuế. Trong văn bản do các Cục Thuế ban hành nêu rõ: “Chủ đầu tư chỉ được làm thủ tục chuyển nhượng căn hộ từ người mua cũ sang người mua mới sau khi người mua cũ hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS.

Giới luật gia cho rằng không thể và không nên đánh thuế đối với việc chuyển nhượng hợp đồng góp vốn. Khi tài sản chưa hình thành, khi quy định này mâu thuẫn với quy định hiện hành thì cần nghiên cứu, bổ sung sau theo chuẩn mực và quy trình làm luật, chứ không thể tuỳ tiện ban hành. Câu hỏi lớn đặt ra là nếu sau nhiều lần chuyển đổi, dự án bất động sản (BĐS) bị thu hồi trong khi các cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ thuế; vậy phải chăng Nhà nước sẽ buộc phải thừa nhận “giá trị ảo” của những hợp đồng này rồi thực hiện đền bù?. Nhưng theo một lãnh đạo của Tổng cục Thuế trả lời thì “Luật kinh doanh BĐS quy định các hoạt động góp vốn để được mua nền nhà, mua căn hộ, cũng như các hợp đồng mua nhà nhưng nhà chưa có, thì được kết luận là mua bán BĐS trong tương lai. Mà mua bán BĐS trong tương lai thì cũng được xếp vào mua bán BĐS”…

Vẫn có kẽ hở… để lách

Một trong những điều kiện để được áp dụng cách thu thuế suất 25 phần trăm trên chênh lệch, là BĐS có chủ quyền và hợp đồng mua bán phải qua thủ tục công chứng. Giới đầu tư BĐS cho rằng sẽ vẫn có kẽ hở để lách luật. Chẳng hạn với trường hợp cá nhân góp vốn chuyển nhượng quyền mua căn hộ, đất nền…, đó là khi thu thuế TNCN, nhà đầu tư sẽ chọn cách thanh lý hợp đồng, trả lại BĐS cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư làm hợp đồng bán lại cho người mua mới với giá cũ, còn khoản chênh lệch hai bên mua – bán tự thương lượng. Một vấn đề mà số đông ý kiến cho rằng người nộp thuế bị làm khó là quy định hạn “nộp hồ sơ hợp lệ” đối với thừa kế, quà tặng là BĐS trước ngày 1.1.2009. Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế: Cá nhân có thu nhập từ thừa kế, quà tặng là BĐS nộp hồ sơ hợp lệ từ ngày 1.1 – 30.6.2009 được miễn nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Điều đó đồng nghĩa với việc ai nộp hồ sơ sau thời gian này sẽ phải chịu thuế TNCN. “Quy định này cứng nhắc, tận thu và làm khó người nộp thuế. Bởi rõ ràng việc thừa kế và quà tặng đã diễn ra, nhưng vì những khó khăn, thậm chí là tranh chấp, khúc mắc… nên chưa hoàn tất hồ sơ. Nếu như vậy thì đúng là họ bị ép vào tình huống thiệt thòi”, một luật gia phân tích.

Lý Bình

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử