3 tháng trước ngày đồng loạt lắp hộp đen kiểm soát 300 ngàn ô tô: Nhiều chủ xe còn băn khoăn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp nhỏ gặp khó

Theo công bố của các nhà cung cấp, hộp đen tùy loại có giá dao động từ 3,5 – 6 triệu đồng, chỉ bao gồm hộp thu và nhận dữ liệu. Ngoài ra muốn lắp đặt thêm phụ kiện cho các bộ phận khác của xe như quản lý romooc, nhiên liệu, camera giám sát phải chi thêm từ 1 đến 5 triệu đồng. Để hoàn thiện một thiết bị giám sát hành trình, bình quân doanh nghiệp sẽ phải đầu tư từ 8 đến 10 triệu đồng cho một xe, chưa kể chi phí đầu tư hệ thống kiểm soát và cước kết nối GPRS. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoản chi đó thực sự khiến họ đau đầu.

ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Hà (Thái Bình) cho biết: “Doanh nghiệp nhỏ, chỉ có tầm 10 xe đã phải đầu tư hàng trăm triệu đồng, các doanh nghiệp lớn có khi phải chi cả tỷ đồng để lắp đặt. Về lâu dài, tôi nghĩ đây là hình thức hay tuy nhiên cần phải có lộ trình thực hiện hợp lý tránh gây sốc cho các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Thực tế, không ít doanh nghiệp đã đi tiên phong tiến hành lắp đặt hộp đen để quản lý phương tiện của mình. Tuy nhiên, nếu như các doanh nghiệp lớn quan tâm và tự giác lắp đặt hộp đen để quản lý phương tiện tốt hơn thì không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Lý do mà các doanh nghiệp vẫn còn chần chừ là chưa hiểu được hết lợi ích của việc lắp đặt hộp đen, cộng với chi phí lắp đặt khá cao. Bên lề Hội thảo, đại diện Doanh nghiệp Vận tải Phương Mai (Hà Nội) cho rằng, chi phí lắp đặt một chiếc hộp đen hiện là 400USD, ngoài ra, mỗi xe lắp đặt thiết bị này sẽ phải mất chi phí quản lý, thuê bao điện thoại khoảng 190.000 đồng/tháng. Khoản chi phí này thực sự không phải là nhỏ đối với các doanh nghiệp.

ông Đinh Trọng Tấn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tấn Bình có cùng chung suy nghĩ như trên. ông Tấn phát biểu: “Công ty tôi hiện có 6 xe khách chạy tuyến đường dài. Thời điểm vừa rồi, giá xăng dầu tăng kéo theo cước phí vận tải cũng tăng theo, lượng khách đã giảm hơn trước do người dân thắt chặt hầu bao. Thời điểm tới, nếu mỗi xe phải lắp thêm một thiết bị giám sát hành trình, doanh nghiệp chúng tôi sẽ phải đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng. Trong điều kiện làm ăn ngày càng khó khăn như hiện nay, đó là nguồn kinh phí tương đối lớn thực sự khiến chúng tôi đau đầu”.

Băn khoăn về hiệu quả

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam mang một băn khoăn khác đến hội thảo. ông cho biết, theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên thị trường Việt Nam có gần 300.000 xe vận tải và vận tải hành khách công cộng nằm trong diện bắt buộc phải lắp đặt hệ thống thiết giám sát hành trình. Để lắp hộp đen và các thiết bị phụ trợ, bình quân mỗi đầu xe mất khoảng 10 triệu đồng, nhẩm tính trên toàn quốc có thể sẽ phải tốn khoảng 1000 tỷ đồng để lắp đặt. Ngoài ra, đầu tư thêm chi phí lắp đặt, để tránh bị lỗ, về lâu dài chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải tính đến chuyện tăng cước phí vận tải. Tất nhiên, đầu tư khoản tiền lớn như thế, hiệu quả nó đem lại cho các doanh nghiệp vận tải sẽ cao hơn. “Tuy nhiên điều quan trọng, hiệu quả của thiết bị này thế nào, tiêu chuẩn quốc gia ra sao, tuổi thọ liệu có được lâu dài hay không vẫn là điều mà các doanh nghiệp băn khoăn. Phải có quá trình thử nghiệm trước khi đưa vào ứng dụng đồng bộ?”, ông Hùng nêu vấn đề.

ông Hùng chỉ ra một khía cạnh khác: “Với các doanh nghiệp nhỏ, để lắp được hộp đen giá 10 triệu đồng thì không khó nhưng để khai thác thông tin thiết bị đem lại là điều không phải đơn giản. Để khai thác thông tin đòi hỏi phần nào về trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là về công nghệ thông tin. Tuy nhiên đó lại trở ngại của nhiều doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân đặc biệt là ở tỉnh xa, vùng miền núi còn hạn chế về công nghệ. Đó cũng là khó khăn cần phải khắc phục”.

Để giải “bài toán” này, đại diện hãng taxi Mai Linh khu vực Đông Bắc Bộ đưa ra đề xuất Nhà nước nên có sự hỗ trợ nhất định với các doanh nghiệp vận tải. Vị đại diện công ty này phát biểu: “Số lượng xe taxi đường dài của Mai Linh có khoảng 400 chiếc, hiện Mai Linh đã tiến hành lắp đặt hộp đen cho khoảng 200 chiếc từ cách đây vài năm. Mỗi hộp đen có giá khoảng 6 triệu chưa kể các phụ tùng khác, với 200 xe Mai Linh đã phải đầu tư hơn 100 triệu để lắp đặt. Với các doanh nghiệp vận tải, chi phí đầu tư cho lắp hộp đen thực sự là vấn đề không nhỏ nên rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước”.

Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiến kế: “Có thể các doanh nghiệp vận tải sẽ “đổ” gánh nặng chi phí lên cái vé xe (tăng giá). Vì thế Nhà nước cần tính toán tới việc chia sẻ với doanh nghiệp bằng các biện pháp giảm thuế, cung cấp tín dụng, trợ giá… Phía nhà cung cấp hệ thống giám sát GPS nên giảm giá, khuyến mãi thiết bị; còn doanh nghiệp nên đồng tâm với Nhà nước để chịu đầu tư chi phí…”

Lý – Đức

Điều 12, Nghị định 91/2009/NĐ-CP quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công – ten – nơ phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình của xe.

Thiết bị giám sát hành trình của xe phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu: Lưu giữ các thông tin: Hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng làm tài liệu trong quản lý hoạt động của đơn vị vận tải và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Lộ trình gắn thiết bị giám sát hành trình: Đến ngày 1/7/2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công – ten – nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đến ngày 01/01/2012, xe ô tô vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đến ngày 01/7/2012, tất cả xe khách, xe buýt phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử