5 triệu lượt du khách quốc tế năm 2008: Mục tiêu khó thành
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó khăn chung

Kết quả công tác 9 tháng đầu năm của ngành Du lịch Hà Nội cho thấy, lượng khách so với năm trước vẫn tăng, đặc biệt là khách quốc tế (khoảng 5%) song sự tăng trưởng này được đánh giá “chủ yếu là nhờ thành quả giai đoạn 6 tháng đầu năm mang lại”. Hiện tượng giảm, hủy tour trong những tháng vừa qua khiến lượng khách quốc tế đến Hà Nội suy giảm rõ rệt.

Điều đó gần giống bức tranh toàn cảnh của du lịch thế giới trong giai đoạn khó khăn chung. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2008, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ tăng 8,1% trong khi kế hoạch đề ra là phải đạt mức tăng 12% – 17%. Năm nay, mục tiêu của toàn ngành là đón 5 triệu khách quốc tế, tăng thêm 800.000 khách so với năm 2007. Thế nhưng, lượng khách quốc tế tăng thêm trong 6 tháng đầu năm nay chưa đến 180.000 người.

Về việc khó đạt được con số đã nêu, ông Trần Chiến Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Năm 2007, khi chúng ta đề ra chỉ tiêu, điều kiện thực hiện rất thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay khủng hoảng kinh tế thế giới đã và đang có ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam cũng như ngành Du lịch. Năm nay, thiên tai, bão lụt hoành hành dữ dội, diễn biến thời tiết không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới lượng khách đến Việt Nam. Do vậy, chỉ tiêu đón từ 4,8-5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2008 có thể thấy là khó đạt được.

Không riêng Việt Nam, các nước trong khu vực như Xin-ga-po, Thái Lan, Trung Quốc cũng bị đà suy thoái kinh tế thế giới tác động đáng kể.

Cần những phản ứng tức thời

Bên cạnh việc điều chỉnh các chỉ tiêu nêu ra thì ngành Du lịch, hơn lúc nào hết cần có phản ứng kịp thời với sự thay đổi của thị trường. Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội kêu gọi tất cả doanh nghiệp du lịch liên kết lại, kề vai sát cánh hơn nữa để cùng nhau khắc phục trở ngại, vượt qua thời điểm khó khăn này. Đầu tháng 12, Sở sẽ tổ chức hội thảo với sự tham gia của Hiệp hội Du lịch Hà Nội, các công ty lữ hành, khách sạn… nhằm gợi mở phương hướng, giải pháp giúp doanh nghiệp liên kết, hợp tác sản xuất sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá cả hợp lý.

Hiện ngành Du lịch Hà Nội đã và đang tích cực chuẩn bị cho ATF 2009 (Diễn đàn Du lịch ASEAN 2009), một sự kiện rất tốt để quảng bá cho du lịch Hà Nội và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhấn mạnh: Chúng ta không hy vọng sẽ tăng ngay được lượng khách sau khi quảng bá; mục đích chính là khuyến khích các công ty du lịch nước ngoài quan tâm hơn nữa đến Việt Nam.

Trong một dự án kế hoạch marketing du lịch Việt Nam 2008-2015, Tổng cục Du lịch đã chỉ ra những điểm yếu trong marketing du lịch của nước ta và xác định rõ: Công tác quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam phải phù hợp với mục tiêu về số lượng khách đến, nhắm tới từng đối tượng khách cụ thể và xâm nhập vào từng ngóc ngách của thị trường. Chúng ta không thể dùng một chương trình quảng bá chung chung cho cả thị trường mà phải xây dựng từng thị trường cụ thể, có tính dành riêng với những sản phẩm cụ thể… Chúng ta chỉ có thể quảng bá khi có cơ sở hạ tầng, có sản phẩm du lịch, có nhân lực, có định hướng, nghiên cứu thị trường… Nếu không, cứ quảng cáo để khách vào ào ào mà chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng không tốt, nhân lực thiếu, dự báo sai thì sẽ phản tác dụng.

Ông Trần Chiến Thắng thì cho rằng: Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp, các công ty lữ hành. Phải nghiên cứu xây dựng các tour, tuyến phù hợp, mở các chương trình khuyến mãi, xem lại giá cả tại các cơ sở lưu trú sao cho hợp lý, để thu hút khách. Ông Thắng hy vọng các điều kiện phát triển du lịch của năm 2009 sẽ tốt hơn…

Nguồn: Báo Hà Nội mới