8 thành tựu nổi bật của chính sách tài khóa năm 2010
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ

Chính sách tài chính – ngân sách nhà nước năm 2010 đã được thực hiện theo hướng chủ động, linh hoạt, nhưng thận trọng hơn so với năm 2009 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu và ngăn chặn lạm phát ở mức cao. Những giải pháp tài khóa nhằm khắc phục ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu trong năm 2009 như miễn, giảm, giãn thuế đã dừng thực hiện (trừ thuế thu nhập DN của các DN nhỏ và vừa, DN sản xuất, gia công, dệt, may, da, giầy, dép được tiếp tục giãn nộp thêm 3 tháng). Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện các chính sách tài chính, thuế nhằm hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phù hợp với những cam kết quốc tế. Đồng thời chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN. Việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ trong việc điều hành lãi suất, tỷ giá, ngoại tệ và huy động vay của Chính phủ theo tiến độ giải ngân, tránh đọng vốn, tăng chi phí trả lãi và gia tăng áp lực cho thị trường.

2. Điều hành chính sách thuế linh hoạt, phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm hạn chế nhập siêu, kiềm chế lạm phát

Thể hiện cụ thể như: Tiếp tục kéo dài việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN nhỏ và vừa, DN sản xuất gia công dệt, may, da, giầy dép; điều chỉnh kịp thời thuế nhập khẩu đối với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu (thuỷ sản, sữa, rau quả, ngũ cốc, thép…) và các nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc); Thực hiện giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, vàng, gas và một số loại vật tư nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được… Đẩy mạnh mở rộng thí điểm thủ tục hải quan điện tử để rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Tính đến 30/11/2010 đã có 13 cục hải quan địa phương với tổng số 70 chi cục thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử. Số lượng tờ khai thực hiện 254.248 bộ, tổng kim ngạch XNK đạt 27,926 tỷ USD, thu thuế XNK đạt 41.592 tỷ VND.

3. Thu ngân sách tiếp tục lập kỷ lục mới

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tổng thu cân đối NSNN vẫn vượt khoảng 14,4% so với dự toán, tăng 19,4% so với năm 2009. Trong đó, số thu do ngành Thuế quản lý đạt khoảng 400.800 tỷ đồng, vượt 11% so với dự toán, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Những điểm nổi bật trong kết quả thu NSNN năm 2010 đó là cơ cấu thu ngân sách tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tích cực với tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách ngày càng tăng, từ 61% năm 2009 lên 62,5% năm 2010; thu từ khu vực sản xuất kinh doanh (chiếm tỷ trọng 72% trong tổng thu nội địa), tăng 28,7% so với cùng kỳ; Tỷ lệ huy động thu NSNN trên GDP đạt 27,3%, trong đó huy động từ thuế và phí đạt 25,1%…

Số thu do ngành Hải quan thực hiện vượt mức chỉ tiêu thu NSNN được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao (131.500 tỷ đồng). Tính đến 30/11/2010, ngành Hải quan đã thu nộp NSNN đạt 158.000 tỷ đồng, bằng 120% dự toán, tăng trưởng 24,9% so với cùng kỳ năm 2009. Dự kiến hết năm 2010, ngành Hải quan thu được 170.000 tỉ đồng, vượt 29,3% dự toán, tăng khoảng 18,2% so với so với năm 2009.

4. Chi ngân sách chủ động và hiệu quả

Chi ngân sách đã bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao và xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh; tăng chi an sinh xã hội; đảm bảo các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh… Năm 2010 tổng kinh phí NSNN chi cho an sinh xã hội ước khoảng trên 72.000 tỷ đồng (trong đó chi điều chỉnh tiền lương và trợ cấp xã hội khoảng 36.000 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp từ NSNN cho các đối tượng thụ hưởng chính sách khoảng 28.400 tỷ đồng, hỗ trợ thông qua miễn thu thủy lợi phí và miễn, giảm một số khoảng phí và lệ phí khác khoảng 3.700 tỷ đồng, chi hỗ trợ cấp tín dụng ưu đãi khoảng 4.000 tỷ đồng). Trong năm 2010, NSNN đã chi bước đầu cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh khoảng 5.400 tỷ đồng, trong đó NSTW chi khoảng 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra đã xuất dự trữ quốc gia cấp không thu tiền trên 81,4 nghìn tấn gạo để cứu trợ nhân dân vùng thiếu đói giáp hạt và bị thiệt hại do thiên tai; cấp hàng nghìn tấn liều vắcxin phòng chống dịch bệnh gia súc…, góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đã thực hiện hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân sách địa phương cho các DN kinh doanh hàng hoá thiết yếu, dự trữ hàng hoá bình ổn giá.

5. Huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển cao hơn nhiều so với năm 2009

Năm 2010, Bộ Tài chính đã chủ động và tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng khả năng huy động vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc. Kết quả huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển năm 2010 đạt hơn 90% kế hoạch, riêng huy động trái phiếu Chính phủ tăng hơn 3,5 lần so với năm 2009, qua đó vừa đảm bảo vốn cho đầu tư phát triển và bù đắp bội chi NSNN, vừa hút vốn- giảm áp lực lạm phát. Đồng thời, trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2010 chủ yếu tập trung vào kỳ hạn dài (3 năm, 5 năm), lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ những tháng cuối năm thấp hơn đầu năm trong khoảng 1,35% – 2% và lãi suất trái phiếu Chính phủ được điều hành luôn thấp hơn lãi suất thị trường (khoảng 2% so với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại) nên đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất của nền kinh tế. Kết quả huy động vốn năm 2010 là rất ý nghĩa bởi nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2010 Chính phủ giao cho Bộ Tài chính rất nặng nề (kế hoạch sau điều chỉnh là 95.000 tỷ đồng) trong khi đó bối cảnh nền kinh tế vĩ mô của nước ta còn chưa ổn định, thị trường tài chính – tiền tệ còn khó khăn, tỷ giá biến động mạnh.

6. Giải ngân vốn đầu tư XDCB chuyển biến khả quan

Kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2010 đạt khá hơn so với các năm trước, nhờ đó sớm hoàn thành nhiều công trình kết cấu hạ tầng và tạo thêm cơ sở sản xuất mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phục hồi tăng trưởng. Ước thực hiện cả năm, giải ngân vốn ngân sách đạt khoảng 92-95% dự toán; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 100% dự toán (năm 2009 tương ứng là 85% và 81,5%). Điểm đáng quan tâm là năm 2010, nhiều cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực đầu tư XDCB đã được bổ sung, sửa đổi và bắt đầu có hiệu lực thi hành như: cơ chế đấu thầu, cơ chế quản lý chi phí dự án, cơ chế quản lý hợp đồng xây dựng… Trong bối cảnh đó, để thực hiện kiểm soát chi và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hệ thống KBNN đã có nhiều biện pháp chủ động đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn XDCB. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở để kḠp thời xử lý, tháo gỡ, như: hướng dẫn việc kiểm soát, thanh toán vốn trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch năm 2009 kéo dài sang năm 2010, hướng dẫn thanh toán vốn kéo dài sang năm 2010 đối với nguồn vốn ứng trước, hướng dẫn kiểm soát thanh toán đối với các dự án do các tổ chức nước ngoài tài trợ…

7. Thực hiện quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm chi

Tính đến hết tháng 9/2010, 25 bộ ngành và 31 địa phương đã tiết kiệm chi NSNN được hơn 2.700 tỷ đồng; 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiết kiệm được 2.350 tỷ đồng. Trong năm 2010, hệ thống KBNN đã thực hiện tốt công tác kiểm soát chi NSNN. Tính đến cuối tháng 12/2010, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát ước đạt 350.435 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN qua KBNN. Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện trên 39.833 khoản chi của 16.115 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng trên 270 tỷ đồng chi không đúng chế độ quy định.

8. An ninh tài chính quốc gia được đảm bảo

Cùng với việc thực hiện triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi NSNN , bội chi NSNN năm 2010 giảm xuống còn 5,8% GDP (giảm 0,4% so với dự toán và giảm 1,1% GDP so với thực hiện năm 2009), tạo điều kiện giảm dần bội chi trong các năm sau. Các khoản chi ngoài cân đối NSNN, vay về cho vay lại, bảo lãnh vay của Chính phủ, các quỹ tài chính ngoài ngân sách, các khoản vay của chính quyền địa phương, các khoản tạm ứng ngân sách được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. An ninh tài chính quốc gia được đảm bảo; dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia và dư nợ công trong giới hạn an toàn. Việc bố trí thanh toán nợ hàng năm đều đảm bảo đầy đủ, đúng hạn, không có nợ xấu. Hiện tại, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Chiến lược Nợ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có dự kiến những thay đổi cơ cấu nợ trong tương lai, đặc biệt khi nước ta đã ra khỏi nhóm nước nghèo, duy trì dư nợ hợp lý, sử dụng vay nợ hiệu quả, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia./.

Nguồn: Tạp chí Tài chính