“Ăn theo” thương hiệu: Hệ lụy của… luật ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các DN trùng tên hoặc gần giống tên là hiện tượng không hiếm trong nền kinh tế VN. Đây là hệ quả của việc trong một thời gian dài, các cơ quan đăng ký kinh doanh của các tỉnh thành “độc lập tác chiến” trong việc đăng ký kinh doanh.

Xu hướng không lành mạnh

Cục SHTT đã từng từ chối thẳng khi một hãng kẹo tại TP HCM xin đăng ký nhãn hiệu kẹo Honda. Giải thích trường hợp đơn xin bảo hộ kẹo Honda, Cục trưởng SHTT VN Trần Việt Hùng cho biết, Cục từ chối cấp đăng ký vì nếu đặt tên trùng sẽ không tránh khỏi gây ra khả năng nhầm lẫn đó là sản phẩm của hãng Honda Nhật Bản.

Ông Hùng nhấn mạnh: Những nguyên tắc quy định về quyền bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đã được VN áp dụng trong các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và trong thực tiễn, kể cả khi VN chưa trở thành thành viên của WTO. Cục đang liên kết, hợp tác các quốc gia trong và ngoài khu vực để tăng cường việc bảo vệ cho các thương hiệu VN.

Theo bà Phan Thị Ngọc Lan – giám đốc Cty tư vấn thương hiệu và SHTT: Thương hiệu của bất cứ Cty nào cũng được hiểu và biết một cách ngắn gọn, được in lớn trên sản phẩm, dịch vụ như: Nhà Bè, Việt Tiến, Sony, Samsung hay Vincom… Và không thể có một thương hiệu hợp pháp cùng ngành trùng tên những thương hiệu đó, cho dù có thêm chữ phần đầu hay phần sau của thương hiệu, hoặc khác loại hình như: cơ sở sản xuất, TNHH, cổ phần, TNHH một thành viên…

Theo ông Hùng, các sản phẩm đặt tên giống, hoặc nhái hầu hết đều nhằm mục đích “ăn theo” sự nổi tiếng của thương hiệu khác, đánh lừa người tiêu dùng, gây hại cho thương hiệu nổi tiếng. Cục từ chối cấp đăng ký nhãn hiệu cho những Cty có tên giống hoặc na ná tên những Cty đã đăng ký bảo hộ trước và những thương hiệu lớn tầm quốc gia, quốc tế.

Vì luật “vênh”

Luật DN quy định: “Tên của DN phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật, không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của DN khác đã đăng ký kinh doanh; phải viết rõ loại hình DN: Cty TNHH; Cty cổ phần…”

Theo ông Vũ Xuân Tiền – Giám đốc Cty Tư vấn VAFM VN, quy định như vậy đã dẫn đến việc trùng tên, nhầm lẫn tên DN vì quy định chưa rõ là “tên riêng” hay toàn bộ tên DN. Như vậy, DN chỉ cần khác loại hình (TNHH hoặc CP…) có thể được cấp đăng ký kinh doanh có tên riêng giống nhau.

Gần đây nhất, từ khi Luật DN 2005 và Nghị định số 88/2006 ra ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh quy định: “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của DN khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Giới hạn mang tính tình thế này chỉ có ý nghĩa tránh trùng lắp trong phạm vi một tỉnh nhưng lại không có ý nghĩa trong trường hợp phạm vi hoạt động của DN trải rộng trên nhiều địa phương, hay cả nước.

Bên cạnh đó, theo Luật Đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc cấp phép lại do các cơ quan chuyên môn khác nhau thực hiện nên việc trùng tên DN càng dễ xảy ra.

Còn theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thì: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Điều kiện được bảo hộ là “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.

Thực tế cho thấy tên DN thường là tên thương mại, trong khi lĩnh vực và khu vực kinh doanh của tên thương mại tương đối trừu tượng, không rõ ràng như quy định “phạm vi tỉnh, thành phố” đối với tên DN. Để an tâm, DN lựa chọn giải pháp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, một số lượng rất lớn DN phát triển tên DN, tên thương mại lên thành nhãn hiệu, mà nhãn hiệu hàng hóa lại được bảo hộ trong phạm vi toàn quốc, bản chất của nhãn hiệu cũng gắn chặt với cái “tên”. Do đó, thực tế có nhãn hiệu trùng với rất nhiều tên riêng của DN, tên thương mại ở rất nhiều địa phương khác nhau.

Giải quyết ra sao ?

Trở lại câu chuyên của Vincom và Vincon (DĐDN số 95) chưa rõ kết quả cuối cùng của vụ kiện này ra sao. Tuy nhiên vụ kiện cũng có thể xem là một tín hiệu cho việc tới đây các DN phải quen dần với cách ứng xử mới, theo đó sở hữu trí tuệ phải được tôn trọng thật sự.

Thời điểm hiện nay, DN nào cũng khẳng định “thương hiệu” rất quan trọng nhưng liệu có bao nhiêu DN có thể ý thức triệt để trong việc bảo vệ thương hiệu bằng cách thức “đáo tụng đình”? Vậy nên, việc xây dựng thương hiệu ngoài sáng tạo mới thực sự cần một “bàn tay thép” để bảo vệ những giá trị riêng, chuyên biệt và bền vững cho DN.

Nguyễn Hoàng
 Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp