Bắc Giang: Tăng cường đối thoại để hạn chế đình công
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sáng ngày 15.3, 80/120 công nhân Công ty TNHH Youngjin Vina – Khu công nghiệp Đình Trám đình công ca ngày không vào xưởng làm việc. Đến ca tối, tình trạng trên lại tiếp diễn. Toàn bộ công nhân kiến nghị Ban giám đốc tăng lương, vì theo họ mức lương như hiện nay (bình quân 1,3 triệu đồng/người/tháng) là quá thấp. Anh Nguyễn Văn Phấn, cán bộ phòng Quản lý Lao động, Khu công nghiệp Đình Trám cho biết: trong điều kiện bão giá như hiện nay, mức lương như vậy công nhân gặp nhiều khó khăn. Đòi hỏi tăng lương là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, đề nghị của người lao động không được đáp ứng vì Ban Giám đốc Công ty cho rằng mức thu nhập đó là phù hợp với mức khoán sản phẩm hiện tại. Nếu muốn tăng lương thì công nhân phải làm thêm sản phẩm. Thoả thuận không thành nên số công nhân trên không đến làm việc.

Tình trạng đình công những tháng đầu năm không chỉ diễn ra ở Công ty TNHH Youngjin Vina mà còn diễn ra ở 3 doanh nghiệp khác cũng nằm trong Khu Công nghiệp Đình Trám và Quang Châu (Công ty TNHH Hoa Hạ Việt Nam, Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sanyo OPT Việt Nam) và 2 doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp huyện, thành phố là Công ty TNHH Daeyang – Hà Nội (địa bàn huyện Tân Yên), Công ty TNHH Plexcom (địa bàn thành phố Bắc Giang). Các doanh nghiệp này đều là đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, vụ đình công tại Công ty TNHH Sanyo OPT Việt Nam diễn ra quy mô lớn nhất, với 4.300 công nhân tham gia, từ 19 – 24.2.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động. Công nhân cho rằng chủ doanh nghiệp trả lương và các khoản phụ cấp (trợ cấp ăn ca, trợ cấp đi lại, nhà ở) quá thấp. Điều này thể hiện rõ nhất ở Công ty TNHH Daeyang – Hà Nội, mức lương công nhân chỉ 1,2 triệu đồng/người/tháng, tiền ăn ca cũng chỉ 8,5 nghìn đồng/xuất. Công nhân cũng cho rằng Ban Giám đốc doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống của người lao động. Công nhân Công ty TNHH Hoa Hạ Việt Nam còn đề nghị Công ty điều chỉnh quy trình sản xuất bởi việc thay đổi công nghệ vừa qua đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của nhà máy…

Ngay khi nhận được thông tin về đình công, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã có mặt kịp thời tại các doanh nghiệp. Đơn vị phối  hợp với các ngành chức năng như công an, ngành lao động, thương binh và xã hội, chính quyền các cấp giải quyết vụ việc. Cán bộ công đoàn dự họp với nhóm công nhân đình công để nắm bắt yêu cầu, rồi gặp người sử dụng lao động đề đạt, kiến nghị giải quyết; tiếp đó tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, có sự tham gia của các cơ quan chức năng. Vì thế những khúc mắc giữa hai bên đều được giải quyết có lý, có tình. Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng cho biết: thông qua đối thoại, cả người sử dụng lao động và người lao động đều nhận thấy phần lỗi của mình. 5/6 Ban lãnh đạo công ty (Công ty TNHH Daeyang- Hà Nội, Công  ty TNHH Plexcom, Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sanyo OPT Việt Nam, Công ty TNHH Hoa Hạ Việt Nam, Công ty TNHH Hosiden Việt Nam) thấy việc trả lương và phụ cấp như hiện nay là thấp nên đã quyết định tăng lương cho người lao động. Lãnh đạo Công ty TNHH Hoa Hạ Việt Nam còn nhận thấy hạn chế do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động khi thay đổi công nghệ sản xuất nên dẫn đến thắc mắc không đáng có. Phía công nhân cũng nhận thấy nhiều đòi hỏi của mình chưa chính đáng như, khi nghỉ ốm không có giấy xác nhận của bệnh viện, hay nghỉ việc nhưng người sử dụng lao động không được trừ tiền trợ cấp, kỷ luật… Sau khi giải quyết được khúc mắc, công nhân của 5 doanh nghiệp trên đã đi làm trở lại. Đến nay, cơ bản các vụ đình công trong tỉnh đã được giải quyết, nhưng nguy cơ xảy ra đình công ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất cao. Tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, nếu các doanh nghiệp không điều chỉnh mức lương, thưởng, phụ cấp… cho phù hợp thì rất dễ xảy ra đình công –  Ông Hưởng lo ngại.

Thực tế đình công gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế cho cả người lao động và người sử dụng lao động; tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy rất cần sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan, trong đó có việc nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn ở mỗi doanh nghiệp, để thực sự là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp với công nhân; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện những quy định liên quan đến quyền lợi chính đáng của người lao động, cùng doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý trong việc chi trả chế độ cho người lao động, tránh nảy sinh những mâu thuẫn lớn dẫn đến đình công.

Hải Nam
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân