Bản quyền các giống hoa Đà Lạt: Vấn đề cần suy ngẫm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nói không quá là hiện nay, vấn đề bản quyền các giống hoa Đà Lạt chưa được người sản xuất, kể cả các cơ sở nuôi cấy mô, đặt ra một cách nghiêm túc. Hầu hết các cơ sở nuôi cấy mô thực vật ở Đà Lạt tỏ ra khá tùy tiện trong việc nhân giống các loài hoa.

Một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị này “can đảm” làm như vậy là vì hầu hết sản phẩm họ làm ra chỉ tiêu thụ nội địa là chính; hoặc, nếu tiêu thụ ở nước ngoài thì hầu hết các sản phẩm cây giống đó cũng chỉ cung cấp cho các quốc gia chưa có bảo hộ bản quyền cây giống, hoặc cũng chỉ sản xuất những giống hoa đã hết hạn bản quyền để cung cấp cho các nước có bảo hộ bản quyền cây giống.

TS Dương Tấn Nhựt – Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên – cho biết: “Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới đã quen với việc đăng ký bản quyền cho các giống hoa do mình sản xuất ra. Với những giống hoa có đăng ký bản quyền, nếu ai đó muốn nhân giống thì phải được sự cho phép của “chủ nhân”.

Còn ở Việt Nam nói chung và Đà Lạt của Lâm Đồng nói riêng, rất tiếc là thói quen này chưa được hình thành”. Cũng theo TS Dương Tấn Nhựt, Đà Lạt đã từng mất tên một số loài hoa bởi không có bản quyền, mà loài hài hồng vô cùng quý hiếm là một minh chứng khá sinh động.

Hầu hết các cơ sở nuôi cấy mô ở Đà Lạt không những không cảm thấy tiếc cho việc mất tên những loài hoa Đà Lạt mà còn khá vô tư trong việc nhân cấy những giống hoa không rõ nguồn gốc. Ngay như cả một số cơ sở sản xuất và xuất khẩu giống hoa lớn của Đà Lạt hiện nay, đối với những giống hoa có bản quyền của thế giới (chưa được bảo hộ tại Việt Nam) thì sản phẩm làm ra cũng chỉ được đi ra nước ngoài bằng con đường “gia công” cây giống!

Không có bản quyền, trên thị trường thế giới, hoa Đà Lạt không có chỗ đứng. Cũng bởi lẽ đó mà “thân phận” các giống hoa Đà Lạt không những bị nước ngoài nhân giống vô tội vạ (và nếu cần thiết, nó được đăng ký bản quyền thì giống hoa đó mất tên “Đà Lạt”) mà sản phẩm được người Đà Lạt làm ra không thực sự là một thứ hoa thương mại đúng nghĩa trên thương trường thế giới.

Tại một hội thảo khoa học về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển vùng hoa Đà Lạt được tổ chức ở Đà Lạt cách nay chưa lâu, một trong những nội dung được đặt ra trong 23 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước vấn đề bản quyền hoa Đà Lạt được nhắc đến với sự nhấn mạnh: Nó không chỉ là một trong những cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hoa Đà Lạt mà còn là xu thế tất yếu của quá trình phát triển thị trường hoa thế giới.

Đà Lạt hiện được xem là trung tâm sản xuất hoa lớn nhất và cũng là trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học trên cây hoa lớn nhất của Việt Nam. Bởi vậy, trong lúc này, đặt ra vấn đề bản quyền cho các giống hoa Đà Lạt có lẽ là không quá sớm!

Khắc Dũng
Nguồn: Báo Điện tử Lao động