Bảo đảm an toàn, quyền lợi cho thí sinh 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Chỉ còn 3 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 sẽ diễn ra trên cả nước. TP. Hồ Chí Minh – tâm dịch của đợt này – sau khi cân nhắc tình hình thực tế đã quyết định sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 thành 2 đợt theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như các địa phương khác.

Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã lấy ý kiến phụ huynh về phương án thi tốt nghiệp. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, có hơn 90% phụ huynh có con học lớp 12 tham gia khảo sát ý kiến về kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó hơn 60% phụ huynh đồng ý cho con dự thi đợt 1, hơn 30% còn lại không đồng ý. Dựa trên ý kiến của phụ huynh, đồng thời cân nhắc từ báo cáo của các sở ngành, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định vẫn tổ chức kỳ thi theo đúng kế hoạch. Thành phố cũng cho biết đã chuẩn bị rất kỹ các phương án để bảo đảm kỳ thi an toàn.

Như vậy, những học sinh lớp 12 tại TP. Hồ Chí Minh đủ điều kiện vẫn thi tốt nghiệp đợt 1 vào ngày 7 và 8.7 tới đây. Đợt 2 dành cho những thí sinh thuộc diện F0, F1, F2… và đang ở trong khu vực phong tỏa. Riêng đợt 1, đã có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi. Dự kiến, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ sử dụng 4.134 phòng thi tại 155 điểm thi; số cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi là 18.000 người. Với quy mô, số lượng người tham gia thi và phục vụ kỳ thi lớn như vậy, trách nhiệm bảo đảm an toàn trước thực tế dịch Covid-19 phức tạp sẽ là áp lực lớn đối với thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: “Quyết định việc này thật sự không dễ, phải cân nhắc nhiều mặt dựa trên tình hình thực tế”. Quả thực, tâm lý chung của phụ huynh, học sinh và xã hội rất lo lắng khi hàng trăm ca mắc Covid-19 được ghi nhận mỗi ngày, thậm chí rất nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây rõ ràng. Thành phố cần phải tính đến nhiều tình huống phát sinh có thể xảy ra khi vẫn quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thật khó để có quyết định và khẳng định phương án nào tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay. Đi thi có thể có nguy cơ nhiễm bệnh, cũng có thể không. Thế nhưng chưa thi thì sẽ kéo dài thời gian chờ đợi mệt mỏi, nhiều hệ lụy. Việc học và ôn tập trực tuyến quá lâu ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập, kiến thức của các em. Có lẽ, phương án tối ưu nhất cho kỳ thi quan trọng này, là làm thế nào để thí sinh và giáo viên, phụ huynh đều được an toàn. Không thể “đánh cược” sức khỏe, sự an toàn của hơn 100.000 người.

Và thực tế, TP. Hồ Chí Minh đã bắt tay vào chuẩn bị kỳ thi khá cách kỹ lưỡng. Hôm qua, 3.7, thành phố đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm, tầm soát SARS-CoV-2 cho 17.052 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 89.275 thí sinh tham gia kỳ thi THPT tại 155 điểm xét nghiệm. Kết quả sẽ được trả về trong ngày 4 – 5.7. Nếu mẫu xét nghiệm không có dấu hiệu bất thường, xem như thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 1 mà không phải làm thêm bất cứ thủ tục nào. Thành phố cũng cho phép phụ huynh và thí sinh có quyền lựa chọn thi đợt 1 hay 2 nhưng khuyến cáo nếu đủ điều kiện thi đợt 1 thì nên thi bởi đợt 2 chưa có lịch, học sinh chờ đợi có thể sẽ thêm khó khăn.

Thành phố đã cân nhắc đủ mọi mặt khi quyết định tổ chức thi vào đợt 1, do đó, việc cần bàn bây giờ không phải là nên thi hay không, mà phải là làm thế nào để bảo đảm an toàn cho thí sinh và cán bộ coi thi nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh. Với tinh thần, quyết tâm chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và với sự hướng dẫn rất kỹ càng cho các đối tượng F1, F2 của Bộ Y tế, tin rằng kỳ thi sẽ diễn ra thuận lợi như dự kiến và các em học sinh cũng sẽ hoàn thành tốt phần thi của mình.