Bao giờ Ngân hàng Nhà nước chịu dỡ bỏ barie?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước những khó khăn liên tiếp của nền kinh tế hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân là sự ách tắc của dòng vốn tín dụng. Điều đầu tiên được nhận diện, chính là những bất cập của cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng được thực thi từ nhiều năm trước, đến nay mới bộc lộ những hệ quả đáng lo ngại. Đó là việc cho phép ngân hàng ra đời ồ ạt, từ ngân hàng thương mại cổ phần, đến các ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển… nhưng lại không đi kèm với những biện pháp quản lý hiệu quả. Hệ quả là các ngân hàng mới ra đời phải chịu áp lực tìm kiếm lợi nhuận nên tìm mọi cách phá rào, lách luật, gây nên một cuộc chạy đua không lành mạnh từ huy động đến cho vay. Trước thực tế này, những barie đã được cơ quan quản lý nhà nước đặt ra để kiềm chế sự gia tăng rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Thế nhưng, vô hình trung những cái phanh này đã kìm hãm luôn cả dòng chảy tín dụng, khiến nền kinh tế gặp không ít khó khăn.

Một trong những cái phanh đã được ngân hàng nhà nước sử dụng và điều hành tương đối thường xuyên thời gian gần đây là công cụ lãi suất. Tuy nhiên việc để cho lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh lại gây khó cho các ngân hàng thương mại trong huy động và cho vay, cũng như trong việc hạch toán các khoản vay. Sự bất ổn của chính sách lãi suất đã gây ra tình trạng gần như 100% các khoản vốn huy động được đều là vốn ngắn hạn hoặc không kỳ hạn. Điều này dẫn đến tình trạng các ngân hàng không dám cho vay các dự án có chu kỳ hoàn vốn dài hạn, hoặc nếu có đánh liều mà cho vay thì buộc phải áp dụng lãi suất cao hơn để đề phòng rủi ro, và các điều khoản ràng buộc cũng khắt khe hơn trong hợp đồng tín dụng. Đây chính là những rủi ro kỳ hạn mà ngân hàng thương mại luôn phải nơm nớp mỗi ngày, nếu như đã duyệt cho vay dài hạn bằng nguồn vốn ngắn hạn. Những rủi ro kỳ hạn này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu ngân hàng với tỷ lệ cao như hiện nay. Vậy phải tháo cái phanh này bằng cách nào? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì quy định trần lãi suất huy động như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên quy định trần lãi suất cho vay, với từng kỳ hạn khác nhau, để các ngân hàng được chủ động trong việc huy động vốn và cũng có nghĩa là chủ động trong xử lý rủi ro kỳ hạn. Làm được việc này, Ngân hàng Nhà nước cũng được rảnh tay, không phải lo xử lý những ngân hàng lách luật, lách trần lãi suất để tập trung nguồn lực và thời gian vào việc thanh tra, giám sát việc thực hiện trần cho vay. Bởi trần lãi suất cho vay mới là nút mấu chốt của hoạt động tín dụng. Tín dụng có góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh hay không, có hỗ trợ kịp thời cho sản xuất hay không phụ thuộc rất nhiều vào tính thời điểm (kỳ hạn) và lãi suất.

 Cái phanh thứ hai, vốn là hệ quả tất yếu của cái phanh thứ nhất, đó chính là khoản nợ xấu khổng lồ đến bây giờ vẫn chưa tìm ra hướng tháo gỡ. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quy định: tỷ lệ nợ xấu tối đa cho phép các ngân hàng thương mại là 3%, nếu vượt quá tỷ lệ này ngân hàng thương mại phải chịu các chế tài như: không được mở thêm chi nhánh hoặc phòng giao dịch, không được tăng room tín dụng… Chính điều này đã khiến các ngân hàng thương mại buộc phải báo cáo láo về tỷ lệ nợ xấu, chỉ đưa ra con số dễ coilà 4,17%, trong khi thực tế, có ngân hàng lên tới 8,6%. Để tháo cái phanh này, không thể một sớm một chiều. Trong khi đó, yêu cầu về tín dụng của nền kinh tế vẫn đang bức xúc, không thể chờ đợi. Vì vậy, nên chăng cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra giải pháp tạm thời khoanh lại nợ xấu, mở ra trang mới trong quan hệ tín dụng với doanh nghiệp, trong khi đó vẫn rốt ráo xử lý từng khoản nợ xấu để tăng thu hồi vốn, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế?

Một cái phanh nữa, mới nhìn thì tưởng như không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tín dụng, nhưng thực ra lại đang tạo áp lực không nhỏ đối với việc huy động và sử dụng dòng tiền. Đó là những bất cập của việc thực thi các chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Chủ trương tạo ra một xã hội sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử thay vì dùng tiền mặt đã được Nhà nước đề ra từ hàng chục năm nay. Thế nhưng đến nay tiến độ thực hiện thanh toán điện tử vẫn rất ì ạch, chủ yếu là do những cái phanh nằm trong hệ thống quy định và các chính sách, khiến cho không ít nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt lại trở thành lợi bất cập hại. Câu chuyện về phát triển hệ thống máy rút tiền ATM là một ví dụ điển hình. Khi các ngân hàng bị vướng vào những nhiệm vụ mang tính bất khả thi như thế này, thì không thể tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động tín dụng là tất yếu. Vì dù cho các ngân hàng đang quản lý những nguồn vốn lớn của xã hội, nhưng cũng vẫn có giới hạn về nguồn nhân lực.

Vì thế, tháo gỡ ách tắc của dòng vốn tín dụng, cần phải tháo từng cái barie một cách hợp lý, hiệu quả, để hệ thống ngân hàng vận hành trơn tru mà vẫn đạt được yêu cầu quản lý.

Minh Hoàng
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân