Bảo hiểm thất nghiệp: Chưa dễ tiếp cận
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Qua gần 1 năm Nghị định 127/2008/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực, xem ra không nhiều người lao động được tiếp cận với loại bảo hiểm này, không ít doanh nghiệp vẫn tìm cách “lách luật”, trốn đóng BHTN cho người lao động.

Vẫn nhiều “chiêu” né

Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm hợp tác phát triển nguồn nhân lực (C&D) và Tổ chức ActionAid tại một số địa phương công nghiệp có tính đại diện thì cuộc sống lao động nhập cư đặc biệt là lao động nữ gặp rất nhiều khó khăn. Có trên 70% lao động nhập cư là nữ, trong đó chỉ có 28% nữ công nhân nhập cư có hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó Hà Nội chỉ đạt 15%, Đà Nẵng 17%.

10% công nhân nữ nhập cư đang ký hợp đồng “miệng” hoặc không ký hợp đồng lao động, 24% đang ký hợp đồng với thời hạn dưới 12 tháng ngay cả khi đang làm những công việc thường xuyên, không có tính chất thời vụ, thậm chí có 2% lao động nữ không biết mặt mũi hợp đồng ra sao. Tính chất bấp bênh còn thể hiện ở chỗ có tới 36% công nhân nữ nhập cư đã từng chuyển nơi làm việc 1-5 lần trong 5 năm qua.

Không chỉ công nhân nữ mà cả nam công nhân cũng diễn ra tình trạng tương tự. Anh Đặng Thanh Ngữ (quê Phú Thọ) hiện đang làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Hà Nội cũng cho hay: Hiện tại, công ty anh chỉ ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn cho các nhân viên ở một số vị trí quan trọng như giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, kế toán, thủ quỹ và một số người gắn bó lâu dài với công ty…

Mới đây, công ty có ban hành quy định về việc ký hợp đồng cho lao động, trong đó phần lớn lao động phổ thông sẽ ký hợp đồng theo trình tự: Hợp đồng lao động lần thứ nhất (có thể có thêm Hợp đồng lao động gia hạn lần 1), Hợp đồng lao động xác định thời hạn lần 2, Hợp động lao động gia hạn (lần 2) rồi mới ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Với quy định như vậy, số lao động gắn bó với công ty đến khi được ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là không nhiều. Đây là “chiêu” của nhiều doanh nghiệp để trốn tránh các khoản đóng góp thuộc về trách nhiệm xã hội cho người lao động.

Người lao động, nhất là lao động nữ cần được quan tâm đến bảo hiểm thất nghiệp (ảnh minh họa)

Khó cho bảo hiểm thất nghiệp

Theo Nghị định 127, các đơn vị có sử dụng từ 10 lao động Việt Nam trở lên, có HĐLĐ từ 12 tháng sẽ phải đóng BHTN. Người lao động sẽ được hưởng BHTN khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động. Ngoài BHTN, người lao động còn được hỗ trợ học nghề miễn phí, tìm việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng BHTN.

Đến nay, BHTN mới đang trong quá trình thu chứ chưa chi, vì vậy những vướng mắc liên quan đến chi chưa phát sinh. Ngay cả việc thu cũng chưa tiến hành kiểm tra nên cũng chưa có đánh giá cụ thể nào. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, việc triển khai chính sách BHTN nói riêng và BHXH nói chung còn gặp không ít khó khăn như: diện bao phủ còn thấp, tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chậm đóng, đóng không đầy đủ, đóng ở mức thấp… còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền của người lao động. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phải giãn thời hạn nộp BHTN vào 6 tháng cuối năm 2009.

Nguyên nhân của những khó khăn khi thực thi BHTN được lý giải là do người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của chính sách cũng như trách nhiệm và quyền được tham gia BHTN. Theo ông Đặng Quang Điều, Phó ban Chính sách Pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì tình trạng trốn đóng vẫn là một thực tế.

Điều 27, Bộ luật Lao động quy định không được ký quá 2 lần hợp đồng xác định thời hạn. Tuy nhiên, Điều 33 Bộ luật này lại cho phép trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên có quyền thay đổi nội dung HĐLĐ (bao gồm cả thay đổi thời hạn hợp đồng). Chính vì vậy, nhiều công ty đã vận dụng quy định này để gia hạn hợp đồng, tránh ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn với người lao động, mục đích “né” nộp BHXH, BHTN.

Đặc biệt, với quy định hợp đồng lao động trên 12 tháng mới bắt buộc đóng BHTN, xem ra kẽ hở cho doanh nghiệp trốn đóng BHTN vẫn khá lớn. Ông Điều cũng cho hay, trách nhiệm của công đoàn là sẽ giám sát, nếu phát hiện doanh nghiệp trốn đóng BHTN sẽ phản ánh với các cơ quan thanh tra để xử lý. Việc giám sát và xử lý như thế nào thì vẫn chưa được đề cập cụ thể, trong khi tình trạng nợ BHXH tái diễn hàng năm thì xem ra lời giải cho BHTN vẫn thật mù mờ.

Theo ANTD