Bảo hiểm tiền gửi cần trở thành lá chắn vững chắc cho quyền lợi người gửi tiền
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bảo hiểm tiền gửi được thực hiện nhằm mục đích bảo vệ người gửi tiền, trong đó đặc biệt chú trọng tới người gửi tiền nhỏ. Đối tượng gửi tiền này thường là những người bị hạn chế nhất định trong việc tiếp cận và khả năng phân tích thông tin của tổ chức nhận tiền gửi. Và khoản tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng có thể là tích góp cả đời của người dân, để phòng bị cho các diễn biến xấu về sức khỏe, điều kiện tài chính trong tương lai. Khi quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm có nghĩa là bảo hiểm tiền gửi góp phần tăng cường lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Để thực hiện tốt các chức năng này, theo nhiều chuyên gia, điều tiên quyết là phải tìm được mô hình hợp lý cho bảo hiểm tiền gửi.

Trên thế giới đang tồn tại hai mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi: tổ chức tài chính nhà nước và tổ chức tương hỗ nghề nghiệp. Với phương thức trực thuộc Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, hoạt động dưới sự hỗ trợ giám sát từ phía nhà nước. Nhà nước là cứu cánh cuối cùng trong trường hợp mất khả năng chi trả. Và mô hình quỹ bảo toàn tiền gửi thuộc hiệp hội các ngân hàng, do các ngân hàng thành lập, có tính chất tương hỗ, vì lợi ích của các thành viên hiệp hội, không vì mục tiêu lợi nhuận, tất nhiên không có sự hỗ trợ vốn từ phía nhà nước, không phải là pháp nhân mà có tính chất của một quỹ dự phòng có tài sản độc lập với tài sản của hiệp hội. Quy mô can thiệp, hỗ trợ giám sát hoàn toàn mang tính chủ động, tính tự quản của hiệp hội.

Xét thực tiễn hoạt động của hệ thống ngân hàng nước ta, nhiều ý kiến cho rằng chưa đủ tiềm lực để lập Quỹ bảo toàn tiền gửi. Bởi bản thân hệ thống ngân hàng chưa có sự phát triển đồng đều. Hiện nay, các ngân hàng chưa liên kết để tạo lập cơ chế tự bảo vệ, chia sẻ rủi ro. Tính liên kết giữa các ngân hàng tại nước ta chưa cao nên rất khó để có một loại quỹ thuộc hiệp hội có thể giám sát, cảnh báo hoặc có các biện pháp xử lý rủi ro sớm. Trong khi đó, hoạt động và sức mạnh của ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, cũng như ổn định xã hội của một quốc gia. Vì vậy, phương án tối ưu là thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi thuộc sở hữu nhà nước.

Và để mô hình này có thể phát triển lành mạnh, bền vững, một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra đó là phải xác định rõ chức năng của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, trên cơ sở đó tạo tính chủ động trong hoạt động, tăng tính tự chịu trách nhiệm, tránh thói ỷ lại về tài chính từ nhà nước. Mô hình bảo hiểm tiền gửi của nước ta đang được tổ chức theo hướng giảm thiểu rủi ro. Nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, bảo hiểm tiền gửi chưa hoạt động hiệu quả trong giám sát, cảnh báo, phòng chống rủi ro trong hoạt động của tổ chức nhận tiền gửi và chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền. Do đó, đã có đề nghị để bảo hiểm tiền gửi là một chức năng của Ngân hàng Nhà nước. Giải pháp này có ưu điểm là tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhưng có lẽ cần nhìn nhận lại về các hạn chế hiện nay của tổ chức bảo hiểm ở nước ta. Việc chưa thực hiện tốt các giải pháp để phòng ngừa rủi ro chủ yếu do các văn bản quy phạm pháp luật còn quy định phí, hạn mức chi trả, loại hình bảo hiểm tiền gửi… chưa phù hợp. Việc cào bằng các loại phí khiến ngân hàng thương mại không có động lực cải tổ hoạt động, tái cơ cấu tổ chức, tăng khả năng phòng ngự trước diễn biến xấu của kinh tế trong nước, cũng như trên thế giới. Trong khi đó, trên thế giới việc áp dụng mức phí căn cứ trên mức độ rủi ro của ngân hàng đã được thực hiện. Đây cũng là kiến nghị của nhiều đại diện ngân hàng tham gia Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi do Ủy ban Kinh tế tổ chức vừa qua. Hơn nữa, kinh nghiệm của các nước đi trước đã chỉ rõ, ở những giai đoạn phát triển kinh tế ổn định rất cần phải có sự chuẩn bị một cách toàn diện cho việc phòng chống rủi ro đổ bể tài chính có tính chu kì của kinh tế thị trường. Chỉ có vậy, Chính phủ mới có thể kiểm soát được rủi ro ở các quy mô khác nhau.

Hiện nay hoạt động kiểm tra giám sát của bảo hiểm tiền gửi nước ta dựa trên hệ thống quy tắc an toàn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động này cũng được thực hiện bởi Thanh tra ngân hàng, nên gây chồng chéo, tăng chi phí xã hội, phiền hà cho các tổ chức tín dụng. Nhưng để tránh chồng chéo không phải chỉ thu về một mối, mà cần chuẩn hóa hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo hướng tăng tính độc lập, chủ động để bảo đảm lợi ích tiền gửi. Trên thế giới bảo hiểm tiền gửi là một chế định quan trọng trong hệ thống bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, cùng với Ngân hàng Nhà nước và tổ chức giám sát tài chính quốc gia. Vì thế, không nên giảm sự kiểm soát mức độ rủi ro, sự an toàn của các tổ chức tín dụng. Thay vào đó, nên có tiêu chuẩn, quy tắc kiểm tra, đánh giá riêng về tổ chức nhận tiền gửi dưới góc độ hoạt động của tổ chức đó có bảo đảm tốt quyền lợi của người gửi tiền hay không.

Lê Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân