Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: cung chưa đủ cầu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhu cầu lớn

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2011 – 2013 với nội dung chủ yếu là ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong tín dụng xuất khẩu, góp phần bảo đảm an toàn tài chính và thúc đẩy xuất khẩu. Quyết định số 2011 xác định mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ đạt tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Đối tượng tham gia bảo hiểm là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá thuộc 23 nhóm hàng quy định.

Theo một kết quả điều tra sơ bộ do Bộ Công thương vừa thực hiện tại 200 trên tổng số 35.000 doanh nghiệp xuất khẩu, có tới 95% doanh nghiệp xuất khẩu trả lời có nhu cầu bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đặc biệt quan tâm tới loại hình bảo hiểm này. Bởi trong những trường hợp nhà nhập khẩu là khách hàng mới, đòi thanh toán bằng phương thức trả sau, doanh nghiệp rất phân vân: không ký thì sợ bỏ lỡ khách hàng tiềm năng, mà ký thì sợ rủi ro thanh toán. Doanh nghiệp dệt may, cơ khí… thường xuất khẩu những lô hàng lớn, bằng đường biển nên có thể gặp nhiều rủi ro hơn phương thức vận tải khác (hàng không, đường bộ), nên nhu cầu bảo hiểm cũng rất lớn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đề xuất với các công ty bảo hiểm và ngân hàng về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhưng hầu hết chưa được đáp ứng.

Đáp ứng nhỏ giọt

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, đến nay chỉ có 3 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, gồm Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm dầu khí (PVI), Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) và Công ty TNHH Bảo hiểm QBE. Trong đó, QBE có 2 hợp đồng đạt doanh thu phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hơn 4 tỷ đồng, Bảo Minh có 6 hợp đồng, đạt doanh thu phí 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng trong việc triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu bởi để bán được sản phẩm này, họ phải có mối quan hệ rộng rãi với các doanh nghiệp, ngân hàng nước ngoài, từ đó mới thẩm định được năng lực thanh toán của doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài, đồng thời phải thu xếp được nhà tái bảo hiểm. Điều này không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng đáp ứng được ngay. Thực tế ở Việt Nam, các công ty bảo hiểm vẫn gặp khó khăn lớn ở mạng lưới, mối quan hệ để thẩm định khách hàng nước ngoài, thu xếp được nhà tái bảo hiểm. Mặt khác, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm có đủ năng lực đánh giá rủi ro thương mại, rủi ro chính trị đến với nhà nhập khẩu, ngân hàng nước nhập khẩu và khả năng biến động chính trị tại nước nhập khẩu. Muốn có được thông tin đầy đủ để đánh giá tương đối chính xác rủi ro nói trên là cả một thách thức lới với doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa nhận thức hết các rủi ro có thể gây tổn thất đối với hàng hóa của mình trong giao dịch ngoại thương; tập quán giao dịch ngoại thương của họ thường áp dụng các điều kiện giao hàng mà quyền mua bảo hiểm thuộc về đối tác. Doanh nghiệp Việt Nam hiện còn ở thế yếu trước đối tác nên không giành được quyền mua bảo hiểm cho hàng hóa. Ngoài nhận biết về rủi ro pháp lý quốc tế còn hạn chế, nhiều nhà xuất khẩu trong nước thậm chí không có khái niệm bảo hiểm xuất khẩu là một loại chi phí nên không đưa chi phí bảo hiểm vào giá thành.

Tuy vậy, nhận thấy thị trường có nhiều cơ hội, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang chuẩn bị triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu dưới hình thức kết hợp với một số công ty nước ngoài, trong đó có Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo Việt. Thế nhưng, đây chỉ là một trong số ít doanh nghiệp mạnh dạn triển khai. Còn để nghiệp vụ này có thể được triển khai sâu rộng, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nền kinh tế, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho rằng, cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng như một cơ quan nhà nước có chức năng bảo trợ, hoạt động ở tầm quốc gia và bổ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nghiệp vụ này.

        Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là dịch vụ bảo vệ và bồi thường cho người xuất khẩu khi họ cấp tín dụng thương mại (bán trả chậm) hoặc bảo vệ và bồi thường cho các ngân hàng khi ngân hàng cho vay trung – dài hạn. Phạm vi bảo hiểm này bao gồm các khiếu nại tổn thất do không thanh toán những khoản phải thu, phát sinh từ hoạt động buôn bán hoặc những khoản cho vay trung – dài hạn vì lý do chính trị, thương mại.

______________________________ 

        23 nhóm mặt hàng khuyến khích bảo hiểm tín dụng xuất khẩu gồm: thủy sản; gạo; cà phê; rau quả; cao su; hạt tiêu; nhân điều; chè; sắn và các sản phẩm từ sắn; dệt may; giày dép; điện tử và linh kiện máy tính; gốm sứ; thủy tinh; mây tre cói và thảm; sản phẩm gỗ; sản phẩm chất dẻo; dây điện và cáp điện; xe đạp và phụ tùng; túi xách, vali, mũ, ô dù; sản phẩm từ sắt thép; máy móc thiết bị; phương tiện vận tải…

Quang Nguyễn
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân