Bảo hộ quyền tác giả: "Cây gậy" đánh vào vùng trống
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chính vì thế, Chỉ thị 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và áp dụng biện pháp cụ thể để bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được xem là “cây gậy” để tấn công vào những vùng trống lâu nay. Riêng về lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả trong âm nhạc, mới đây đã có những khởi sắc.

Về vấn đề này, Báo Lao Động có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Phó GĐ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC), GĐ trung tâm phía nam:

– Căn cứ vào đâu mà ông cho rằng đây là đợt thực thi quyền tác giả quyết liệt nhất trong những năm qua?

– Trong chỉ thị 36, có hai điểm mấu chốt mà Thủ tướng Chính phủ chỉ thị. Một là tổ chức tổng kiểm tra thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động liên quan trên phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II (trước đây chưa ghi rõ thời hạn báo cáo).

Hai là mở rộng đối tượng thanh – kiểm tra, như hệ thống siêu thị, công ty, nhà máy, xí nghiệp, nhà xuất bản, nhà hàng, karaoke, quán bar, các đài phát thanh và truyền hình, chủ trang web…

Và đặc biệt, Nghị định 47 của Chính phủ nâng mức xử phạt vi phạm bản quyền cao nhất là 500 triệu đồng. Đây là điều chúng tôi chờ đợi nhất lâu nay, vì nếu mức xử phạt thấp quá thì người vi phạm không ai sợ.

Riêng về vấn đề bảo hộ bản quyền trong âm nhạc, tính đến nay, đã có 1.400 nhạc sĩ ủy quyền cho VCPMC để thu tiền tác giả. Riêng ở TPHCM, số nhạc sĩ ủy quyền lên đến 800 người. Trong 5 tháng qua, TT đạt 35% kế hoạch năm (thu được trên 5 tỉ đồng tiền tác quyền); riêng ở phía nam thu được 3 tỉ đồng. Như vậy, có những nhạc sĩ trẻ đang “hot” có thể nhận được 20 triệu đồng trong vòng 3 tháng trở lại.

– Vì sao lâu nay vẫn còn những vùng trống không thể triển khai được, theo ông?

– Từ trước đến nay, chúng tôi đã có những cuộc triển khai toàn diện ở một số tỉnh. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là ở các tỉnh, TT chỉ thực thi bảo hộ ở 2 lĩnh vực: Biểu diễn và phát thanh truyền hình. Còn bây giờ, đã có thể mở rộng phạm vi truy thu.

Còn ở TPHCM, quy trình thực hiện khá bài bản. UBND TP chi hơn 1 tỉ đồng để lên kế hoạch và tập huấn về sở hữu trí tuệ, về giám sát việc cấp phép cho các đối tượng sử dụng tác phẩm âm nhạc. Bên thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cũng tập huấn cho các quận huyện.

Lâu nay, phía bắc khó thu ở lĩnh vực biểu diễn, còn trong Nam thu đều hơn. Mặc dù vậy, lĩnh vực nổi cộm như karaoke, truyền hình cáp hoàn toàn bỏ trống. Lý do còn những vùng trống như thế là vì ý thức về bảo vệ quyền tác giả chưa cao, nhiều đối tác luôn tìm cách né tránh; thậm chí, thay đổi liên tục người đàm phán, cho dù chúng tôi gửi văn bản và liên tục cử người đến làm việc. Chúng tôi sẽ thống kê lại những cơ sở này và báo cáo cho Thanh tra bộ để có cách xử lý.

– Xin cảm ơn ông! Nguồn: Minh Thi – Lao Động