Bảo vệ Người tiêu dùng:Có Luật, nhưng ai bảo vệ…
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thị trường TP. Hồ Chí Minh vẫn còn đang nóng về chất DEHP nhiễm trong nhiều loại sản phẩm gây độc hại cho người sử dụng. Để làm rõ chất DEHP nhiễm trong thực phẩm, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm thành phố lấy 13 mẫu sản phẩm kiểm nghiệm ngẫu nhiên và phát hiện 3 sản phẩm có nguồn gốc từ Philippines do Công ty TNHH HAMICO (phường Bình Trị Đông A, quận Tân Bình) nhập khẩu dương tính với DEHP. Sản phẩm được cảnh báo gồm kẹo xốp Marshies hương vani, kẹo xốp Marshies hương vani và sôcôla, kẹo xốp Marshies hương dâu. HAMICO đã phong tỏa 2.141 thùng kẹo tại kho, thu hồi 100 thùng sản phẩm đã đưa ra thị trường.

Tại Công ty Gia Thịnh Phát, quận Tân Bình, qua kiểm tra cũng phát hiện 3 mặt hàng nước giải khát nhập khẩu có nhiễm DEHP là sirô táo đỏ, sirô nho, sirô vải. Ba mặt hàng này nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Hiện tại các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện việc thu hồi, tìm kiếm các loại thực phẩm chứa chất DEHP.

Từ cuối thánh 5 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP cho biết, qua thanh tra đã phát hiện 13/17 công ty sản xuất, kinh doanh có sản phẩm chứa DEHP. Theo Quy định 29/6 của Bộ Y tế ban hành, mức giới hạn tối đa DEHP trong thực phẩm là 1,5 mg/kg (thực phẩm dạng rắn) và 1,5 mg/lít (thực phẩm dạng lỏng), thì có 8 công ty với 38 loại sản phẩm gồm sirô, thạch rau câu, trà sữa, nước ép trái cây, chứa DEHP vượt ngưỡng cho phép. Tổng số lượng sản phẩm bị thu hồi tại TP. Hồ Chí Minh tại thời điểm này là 54.689kg.

Trong lúc thị trường còn đang “nóng” với DEHP thì mới đây nhất, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc – New Zealand (FSANZ) công bố thu hồi sản phẩm rong biển khô mang nhãn hiệu Wang Dried Kelp Varech Speche xuất xứ từ Hàn Quốc, vì có hàm lượng i-ốt cao, ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và bà mẹ đang cho con bú. Thông tin này cũng khiến người tiêu dùng Việt Nam lo ngại, vì hiện tại, các loại rong biển xuất xứ từ Hàn Quốc cũng đang được bày bán tràn ngập ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, rong biển được tiêu thụ mạnh và có nhiều xuất xứ. Tại các chợ, siêu thị trên địa bàn, đa số các nhãn rong biển Kimmy, Jaban, Sonka, My Yuk Gim, F&B Susi laver, Dongwon đều có xuất xứ từ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, khi có thông tin về một số sản phẩm rong biển khô có xuất xứ từ Hàn Quốc chứa hàm lượng i-ốt cao, ngay lập tức các hệ thống siêu thị đã kiểm tra, rà soát thông tin của các sản phẩm nhập khẩu và yêu cầu nhà cung cấp đến để làm việc như kiểm tra các chứng từ, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng, giấy tờ liên quan đến lô hàng.

Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc Marketing của Saigon Co.op cho biết, phòng Quản lý chất lượng của đơn vị sẽ chủ động trao đổi với cơ quan chức năng về hàm lượng i-ốt và chờ kết luận của ngành y tế xử lý như thế nào về các loại sản phẩm này.

Siêu thị Citimart cũng khẳng định, dù không bán mặt hàng bị cảnh báo nhưng siêu thị yêu cầu nhà nhập khẩu, nhà phân phối các sản phẩm rong biển có nguồn gốc từ Hàn Quốc và từ các nước khác phải lấy mẫu mang đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm lại và cung cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm này cho siêu thị.

Tại các chợ, rong biển cũng được bán rất nhiều loại, rong biển tươi giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, rong biển khô của Trung Quốc giá 120.000 – 170.000 đồng/gói loại 500 – 700g. Tại chợ Bình Tây, quận 6, rong biển các loại vẫn còn bày bán nhưng sức mua đã giảm rõ rệt.

Sau gần một tháng Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng có hiệu lực, còn đó quá nhiều bất an cho tiêu dùng.

Những lo ngại như vậy là có thật, khi mà chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2011, Chi Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 2.034 vụ vi phạm về kiểm dịch, thú y; 730 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. với lượng vi phạm gồm 26.804 con chim, gà, vịt sống và làm sẵn; 351 con heo, bò, dê; 13.756,4 kg thịt gia súc, gia cầm và 68.787 quả trứng gia cầm các loại.

Tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, mỗi ngày TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 1,5 – 2 triệu tấn rau củ quả, trong đó có khoảng 20 – 30% xác định được nguồn gốc, kiểm tra gần 5.000 mẫu rau củ quả, cho thấy dư lượng thuốc trừ nhiễm trong các loại thực phẩm này đến 3,9%.

Những thông tin như vậy liệu có là một cảnh báo cần thiết? Nhiều người tiêu dùng cho rằng, “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Tất nhiên đó là ý thức cảnh báo chủ quan quan của người tiêu dùng. Song thực trạng đang là đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan chức năng.

Thái Bảo
Nguồn: Báo Thanh tra