Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa XNK
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chậm hướng dẫn luật

Hệ thống pháp luật về SHTT Việt Nam quy định về công tác thực thi bảo hộ quyền SHTT đã phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPs (Hiệp định về một số khía cạnh quyền SHTT liên quan đến thương mại), thậm chí một số quy định còn ở mức cao hơn so với quy định của TRIPs. Tuy nhiên, trong hệ thống đó cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể về quyền hành động mặc nhiên của các cơ quan thực thi, trong đó có lực lượng hải quan trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phát hiện và xử lý hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Ngày 1.1.2010 là thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT có hiệu lực. Tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Lý do của sự chậm trễ này, là còn chờ sửa đổi Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15.12.2005 cũng như chờ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao. Mặt khác, việc xác định giá trị của lô hàng vi phạm chưa phù hợp giữa Luật Hình sự và Luật SHTT để từ đó làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định hay áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hay xử theo Luật Hình sự…

Bên cạnh đó, công tác thực thi chính sách pháp luật cũng có những vướng mắc. Cơ quan giám định SHTT hiện chưa được thành lập để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho các lực lượng thực thi. Cơ quan hải quan chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác khai thác, thu thập, phân tích thông tin và áp dụng quản lý rủi ro vào đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái có liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Thiếu sự phối hợp từ doanh nghiệp

Một trở ngại đối với công tác thực thi là doanh nghiệp vẫn chưa thật sự quan tâm phối hợp với cơ quan hải quan trong việc bảo vệ quyền SHTT. Cụ thể là hoạt động trao đổi, phối hợp giữa cơ quan hải quan với các chủ sở hữu quyền SHTT, chủ nhãn hiệu hàng hóa trong việc cung cấp thông tin liên quan đến hàng hóa XNK vi phạm; hỗ trợ về mặt kinh phí, thiết bị trong việc phát hiện, xử lý hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, hàng giả; động viên kịp thời cá nhân phát hiện bắt giữ hàng hóa xâm phạm còn hạn chế. Một số chủ sở hữu, đại diện pháp lý về SHTT của chủ sở hữu quyền chưa hiểu rõ hoạt động của cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hiệp hội và các đại diện thương mại chưa chủ động liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan để yêu cầu hỗ trợ, phối hợp trong công tác đấu tranh, phát hiện hàng xâm phạm. Nhiều doanh nghiệp chưa biết tới các hoạt động của cơ quan hải quan mặc dù ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa các thông tin có liên quan đến hoạt động thực thi bảo hộ quyền SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiến thức về lĩnh vực SHTT của một số doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến việc yêu cầu cơ quan hải quan bảo vệ không chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các doanh nghiệp khác. Một số doanh nghiệp còn có tư tưởng coi việc bảo vệ quyền SHTT là trách nhiệm của cơ quan hải quan… Chính vì vậy, hiệu quả bảo hộ quyền SHTT chưa cao.

Với những tồn tại chưa được giải quyết nêu trên, vấn đề thực thi quyền SHTT một cách hiệu quả vẫn đang là bài toán khó. Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, để công tác bảo hộ quyền SHTT của lực lượng hải quan thực sự hiệu quả, cùng với việc có một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ thì quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền. Các doanh nghiệp, các chủ sở hữu quyền SHTT cần chủ động hơn nữa không chỉ trong việc cung cấp thông tin về bản thân doanh nghiệp, hàng hóa của mình mà còn chủ động trong việc phát hiện những hành vi vi phạm quyền SHTT của các cá nhân, tổ chức để cơ quan hải quan và các cơ quan thực thi kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Trường Sơn
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân