Bất cập chọn nhà thầu cho các dự án nguồn điện: Cơ chế “trói tay” doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chậm tiến độ

Kết quả đánh giá việc triển khai các dự án điện trong Quy hoạch Điện VI cho thấy, các dự án nguồn chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch. Số liệu thống kê tại Hội thảo “Bàn về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ năng lượng” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây đã chỉ rõ, hầu hết các dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu bị chậm tiến độ từ 1-3 năm hoặc hơn. Điển hình là các dự án: Nhiệt điện Hải Phòng 1 – 2, Cẩm Phả 1 – 2, Quảng Ninh 1 – 2 Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1…

Các nhà thầu năng lực yếu, kinh nghiệm kém, không thu xếp được tài chính, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư. Ước tính hiện nay có tới 70 – 80% các gói thầu xây lắp trên cả nước thực hiện theo phương thức EPC đã thuộc về các công ty Trung Quốc, trong đó các dự án năng lượng chiếm phần lớn. Không chỉ yếu kém trong giai đoạn triển khai dự án mà cả đến giai đoạn vận hành cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đó là công nghệ và các tiêu chuẩn áp dụng lạc hậu, thiết bị thường gặp nhiều lỗi kỹ thuật, sự cố trong quá trình vận hành. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện vào mùa khô vài năm trở lại đây.

Đi tìm nguyên nhân

Tại văn bản số 106/VBKN-VEA ngày 12/9/2011 của Hiệp hội Năng lượng gửi lên Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phân tích: Có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án nguồn (nhất là nhiệt điện) bị chậm tiến độ. Cụ thể: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư quá dài (1-2 năm lập quy hoạch địa điểm, 2-3 năm đánh giá tác động môi trường). Thủ tục xin giao đất giải phóng mặt bằng, tổ chức đầu thầu còn phức tạp. Thời gian thực hiện hợp đồng EPC thường kéo dài (4-5 năm). Việc ký hợp đồng mua bán điện khó khăn. Đặc biệt, việc chọn nhà thầu EPC có thiết bị và nhân lực xuất xứ từ các nước phát triển thời gian qua chưa tốt, dẫn đến chậm tiến độ dự án. Mặt khác, hiện Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế cho các nhà máy nhiệt điện mà chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc nên còn khó khăn cho khâu thẩm định, trình duyệt…

Đặc biệt, khó khăn về tài chính đang là rào cản lớn nhất khiến các chủ đầu tư không có nhiều cơ hội lựa chọn nhà thầu đạt yêu cầu. Trong đó, sự bất cập về chính sách tín dụng cũng là rào cản không nhỏ. Thực tế cho thấy, do quy mô của các dự án năng lượng thường rất lớn, nằm ngoài khả năng đáp ứng vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước; một số dự án yêu cầu công nghệ kỹ thuật phức tạp và chịu sự chi phối ràng buộc của nhiều yếu tố, vượt quá khả năng thẩm định của các ngân hàng Việt Nam. Quy định chỉ cho vay tối đa 15% vốn tự có đối với mỗi doanh nghiệp và sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn tối đa 30%, đã làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại cho các dự án năng lượng. Một số dự án kéo dài đã làm tăng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và khả năng trả nợ với các ngân hàng. Mặt khác, theo yêu cầu của ngân hàng nước ngoài, nguồn vốn đối ứng Việt Nam trong gói thầu EPC phải giải ngân trước và giải ngân hết mới được giải ngân vốn vay ngân hàng nước ngoài. Chính sách thắt chặt tín dụng của Nhà nước làm cho các doanh nghiệp khó giải ngân được nguồn vốn này và kéo theo đó là không thể giải ngân được vốn vay ngân hàng nước ngoài. Trong điều kiện khó khăn về tài chính, tiêu chí quan trọng để xét trúng thầu là yếu tố giá thầu rẻ, các nhà thầu cam kết cho vay 85% vốn đầu tư khiến chủ đầu tư không thể “kén cá chọn canh” mà buộc phải lựa chọn những gói thầu EPC giá thấp, đồng nghĩa với việc chấp nhận những nhà thầu kém, trình độ thấp và tất nhiên là chất lượng công trình kém, tiến độ chậm.

Giải pháp nào?

Được biết, ngày 26/9/2011, Văn phòng Chủ tịch Nước đã có công văn số 805/VPCTN-KTXH trả lời văn bản số 106/VBKN-VEA của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; trong đó nêu rõ: “… Đề nghị hiệp hội trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tham mưu cho Chính phủ, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng của đất nước”.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, không nên coi giá dự thầu là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng EPC. Chính phủ cần chú trọng ưu tiên các vấn đề như: Chất lượng, tiến độ, tổng chi phí (bao gồm dịch vụ sau bán hàng, mức độ tiên tiến của công nghệ và khả năng chuyển giao công nghệ cho lao động trong nước). Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi cần được áp dụng để tạo cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng tại Việt Nam. Nếu tiếp tục kéo dài cơ chế chọn nhà thầu như hiện nay, doanh nghiệp trong nước không thể thắng thầu, nền kinh tế sẽ lãng phí một nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp trong nước đã được đầu tư bài bản, có công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế để các doanh nghiệp cơ khí trong nước được làm những gói thầu nhỏ. Các chủ đầu tư Việt Nam như: EVN, PVN, Vinacomin nên chủ động tách các hạng mục công việc trong một dự án lớn thành các gói độc lập nhỏ phù hợp với năng lực sản xuất trong nước. Cũng phải có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư và nhà thầu EPC cam kết sử dụng tối đa các nhà thầu phụ trong nước cho các hạng mục cơ khí, xây dựng…; chuyển giao công nghệ, thiết bị máy móc đòi hỏi công nghệ cao cho các đơn vị thi công trong nước. Đây là giải pháp quan trọng giúp ngành điện Việt Nam phát huy nội lực, công nhân Việt Nam có điều kiện nâng cao tay nghề, giải quyết công ăn, việc làm, góp phần giảm nhập siêu cho đất nước. Tất nhiên, để được tin tưởng, các doanh nghiệp cơ khí cũng cần hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập.

Về vấn đề tài chính, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia thu xếp vốn cho các dự án, như: Bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước, được sử dụng trước nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng trong nước. Cho phép doanh nghiệp vay vượt 15% vốn tự có đối với các dự án năng lượng trọng điểm. Ưu tiên các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay vốn dài như vốn vay nước ngoài, vốn ODA, phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình, kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các nhà đầu tư khác. Tạo điều kiện cho chủ đầu tư vận động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia dự án. Tạo điều kiện cho EVN ký các khoản vay thương mại, vay ưu đãi để đầu tư các dự án. Cho phép các tổng công ty chủ động tìm kiếm các nguồn vay nước ngoài để giảm bớt gánh nặng cho EVN.

Điểm vướng lớn nhất là trong quy định hiện nay, các nhà thầu cùng có tiêu chí kỹ thuật đạt 70 – 80% thì ai trả giá thấp hơn được chọn thầu, khiến cho nhà thầu có điểm kỹ thuật 100% nhưng bỏ thầu giá cao hơn sẽ phải thua nhà thầu có điểm kỹ thuật 70%. Điều này sẽ làm tăng rủi ro trong thực hiện hợp đồng. Mặt khác, lại có những tiêu chí dự thầu quá cao như quy định ưu tiên lựa chọn thiết bị công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn, có số năm kinh nghiệm nhất định mà chỉ quốc tế mới đáp ứng được. Đây cũng là yếu tố cản đường những công ty mới, những nhân tố mới trong nước và vô hình trung mở đường cho các công ty nước ngoài thắng thầu. Theo các doanh nghiệp, Nhà nước cần bổ sung và sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu để cho phép các chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ dự án có sử dụng nguồn vốn nhà nước) lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như: G7, Nhật Bản, Hàn Quốc… Sửa đổi quy định về hồ sơ mời thầu bằng cách đưa hệ số tính điểm về xuất xứ thiết bị vào để xét thầu. Đặc biệt, cần quy định cụ thể việc nhà thầu EPC phải cam kết đủ điều kiện về năng lực, tài chính. Chính phủ cũng cần có chính sách, quy chế, định hướng lựa chọn thiết bị công nghệ nhập khẩu, nhất là về cấp độ tiên tiến và hiện đại của công nghệ. Trong một số trường hợp đặc biệt, các chủ đầu tư được phép chỉ định trực tiếp nhà thiết kế chế tạo thiết bị, nhà thầu EPC và các tư vấn khi đã biết rõ năng lực, kinh nghiệm và khả năng tài chính của họ.

Ngọc Loan
Nguồn: Báo điện tử Công thương