Bất cập tiền lương
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, xét trong bối cảnh thực tế, việc tăng lương lần này vẫn chưa giải quyết được những bất cập về tiền lương. Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, lương tối thiểu từ vùng I đến vùng IV lần lượt là từ 2 triệu đồng/tháng, 1,78 triệu đồng/tháng, 1,55 triệu đồng/tháng và 1,4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, số liệu khảo sát thực tế về đời sống công nhân từ tháng 3 đến tháng 7/2011 trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố của Tổng liên đoàn Lao động, thì mức lương tối thiểu ở vùng I phải là 3,1 triệu đồng/tháng, khu vực IV phải là 2,6 triệu đồng/tháng mới đủ đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Lương thấp là nguyên nhân khiến các cuộc đình công có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, 80% số vụ đình công trong cả nước thời gian qua đều xuất phát từ vấn đề lương thấp, đời sống công nhân quá khó khăn. 34 cuộc đình công trong 6 tháng đầu năm nay tại các khu công nghiệp của Hà Nội cũng có căn nguyên chính như trên. 257 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội hầu như chỉ trả lương cho người lao động đúng bằng, hoặc nhỉnh hơn khung bậc lương tối thiểu do Nhà nước quy định, ngoài ra không có thêm khoản trợ cấp nào. Hầu hết công nhân đều phải làm thêm, vì không có tiền làm thêm giờ, công nhân sẽ đói!

Rõ ràng, khoảng cách giữa mức lương đề xuất và thực tế cuộc sống của người lao động vẫn còn quá xa. Dù không thể phủ nhận quan điểm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, đây là mức tăng hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động, nhưng việc làm này cũng lộ rõ bất cập cơ chế tiền lương hiện hành.

Bất cập nảy sinh là điều không tránh khỏi khi lương tối thiểu được phân chia theo vùng, nhưng lại không phân theo ngành nghề, để doanh nghiệp tự quyết lương theo cường độ lao động. Trong khi một vùng có nhiều loại hình doanh nghiệp, với hao phí lao động khác nhau, hiệu quả lao động khác nhau, đầu ra hoàn toàn khác nhau, nên không thể chỉ có một loại lương giống nhau. Nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi, trong trường hợp nếu Chính phủ không kiểm soát được mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, chẳng lẽ lại tiếp tục đề xuất tăng đột biến lương tối thiểu thêm vài trăm nghìn đồng nữa và cứ như thế?

Tăng lương nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động là việc trước mắt phải làm. Về lâu dài, phải giải quyết triệt để bất cập này, phải đảm bảo cơ chế tiền lương thỏa thuận, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử