Bất ngờ PCI 2011: Đà Nẵng bị truất ngôi đầu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hôm nay, 23/2, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lần thứ 7.

Kết quả năm nay đánh dấu bước tiến vượt bậc của các tỉnh khu vực phía bắc là Lào Cai, Bắc Ninh và đại diện phía nam là Long An khi lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng. PCI các tỉnh này tăng đều đặn qua các năm do có nhiều nỗ lực cải thiện công tác điều hành kinh tế tại địa phương.

Theo đó, Lào Cai vươn lên vị trí đứng đầu với 73,53 điểm, tăng 5,58 điểm và tăng 1 hạng so năm 2010.  Điểm số của Lào Cai vượt xa nhóm đứng kế sau là BắcNinh  với 66,27 điểm, Long An  66,12 điểm.  

Tổng quan “bảng xếp hạng” PCI 2011

Hai bất ngờ khác là Hà Tĩnh và Bình Phước với những thành tích nổi bật đã lọt vào top 10 tỉnh dẫn đầu chỉ số PCI năm nay. Vị trí xếp hạng của 2 tỉnh này lần lượt là 7 và 8 với điểm số là 65,97 điểm và 65,87 điểm.

Hai đầu tàu kinh tế đất nước là Hà Nội và TP.HCM cũng ghi nhận bước tăng điểm vượt bậc. Trong khi Hà Nội  tăng 7 bậc so với năm 2010 lên vị trí thứ 36 bảng xếp hạng(58,28 điểm) , TP.HCM đứng thứ 20, tăng 3 bậc so với năm trước đó, đạt 61,93 điểm.

Nhiều gương mặt sáng giá xuống hạng

Báo cáo cũng đánh giá, điểm số PCI ngày càng hội tụ theo thời gian khi các tỉnh có xếp hạng thấp hơn đã có bước nhảy vọt trong cải thiện chất lượng điều hành. Chẳng hạn trong năm 2009, Cao Bằng là tỉnh có điểm số thấp nhất với 45,43 điểm. Đến 2011, mặc dù vẫn xếp cuối bảng nhưng PCI của Cao Bằng đã tăng lên 5 điểm đạt 50,81 điểm.

Trong khi đó, điểm số của các tỉnh đầu bảng lại giảm. Năm 2009, Đà Nẵng đứng đầu bảng với 75,9 điểm thì năm nay đã để mất vị trí quán quân cho Lào Cai.

Cùng với đó, Vĩnh Long và Bình Định, hai tỉnh luôn đứng trong 10 địa phương dẫn đầu và là điển hình cải cách mà nhóm nghiên cứu PCI thường nhắc tới giảm mạnh. Cả hai địa phương này tiếp tục đà sụt giảm khá rõ nét trong năm 2010.

Cụ thể, PCI của Vĩnh Long năm 2011 là 54,1 điểm, đứng thứ 54 trong bảng xếp hạng, giảm tới 9,3 điểm và tụt hạng 45 bậc so với năm 2010 và 49 bậc so với 2009.

Chỉ số PCI năm 2011 của Bình Định là 58,14 điểm, xếp thứ 38/63 trong bảng xếp hạng, giảm hơn 2 điểm, tụt  hạng18 bậc so năm 2010 và 31 bậc so với năm 2009.

Nhìn chung, công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện trong năm 2011. Điểm số PCI của tỉnh trung vị năm 2011 đạt hơn 59 điểm, cao hơn khoảng 1 điểm so năm 2009 và 2010.

PCI 2011 khảo sát gần 7.000 doanh nghiệp ở cả 63 tỉnh và thành phố. Báo cáo của chỉ số này dựa trên  phân tích cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh ở góc độ tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, nỗ lực cải cách hành chính và điều hành kinh tế theo hướng hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Bên cạnh chỉ số PCI, nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp FDI hoạt động trên 61 tỉnh thành năm vừa qua, nhằm xác định những thách thức của việc xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát hiện tại khảo sát FDI cho thấy, mặc dù đạt được doanh thu cao hơn trong năm 2011, song các doanh nghiệp nước ngoài lại kém lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn.

Lý do để Việt Nam vẫn là một lựa chọn tốt đối với các nhà đầu tư ngoài nước vẫn dựa trên những lợi thế về chi phí lao động thấp và sự ổn định về chính trị.

9 tiêu chí trong chỉ số PCI:

1. Chi phí gia nhập thị trường

2. Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất

3. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin

4. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước

5. Chi phí không chính thức

6. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh

7. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

8. Đào tạo lao động

9. Thiết chế pháp lý

Bích Diệp
Nguồn: Báo Điện tử Dân trí