Bài học từ vụ Vinalines: Hiếm luật sư “nội” giải quyết tranh chấp “ngoại”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc tàu biển bị lưu giữ do tranh chấp thương mại là chuyện bình thường trong hoạt động hàng hải, song xử lý như thế nào khi có vấn đề lại phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của chính các chủ tàu. Phóng viên NDĐT đã phỏng vấn ông Đỗ Xuân Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam về một số vấn đề liên quan.

PV: Vụ Vinalines cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế, đây có phải là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này không thưa ông?

Ông Đỗ Xuân Quỳnh: Không thể nói là các doanh nghiệp đều thiếu hiểu biết được vì kinh doanh hàng hải là ngành rất đặc thù. Dù ngành này phát triển lâu đời, song với các vụ việc có nội dung tương tự như nhau, cách xử lý của các tòa án lại rất khác nhau. Phán quyết của tòa án phụ thuộc vào luật, trong khi luật mỗi nước khác nhau, luật khu vực cũng khác. Thứ hai còn là lệ, luật có thể chưa ra, nhưng lệ đã có rồi. Thí dụ như ở châu Âu, Công ước về hạn chế khí thải con tàu chưa có hiệu lực, nhưng tàu đến châu Âu mà thả khí thải, anh bị bắt ngay. Thậm chí phán quyết còn phụ thuộc vào quan điểm riêng của các quan tòa chứ không hề đơn giản.

PV: Vậy theo ông, vụ việc của Vinalines là bị “chết” vì luật hay vì lệ, là chuyện thông thường hay chuyện hy hữu?

Ông Đỗ Xuân Quỳnh: Hiện chúng tôi không có thông tin gì nên chúng tôi không dám trả lời gì cả. Còn tranh chấp kiểu của Vinalines là rất khó tránh trong ngành hàng hải. Nếu như anh thường xuyên cập nhật các tranh chấp, án lệ hàng hải thì khi vụ việc xảy ra có thể hạn chế tổn thất vì anh biết kinh nghiệm xử lý.

PV: Theo ông, có phải sự thiếu kinh nghiệm xử lý là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc nhiều tàu Việt Nam bị lưu giữ hoặc vướng vào tranh chấp thời gian qua?

Ông Đỗ Xuân Quỳnh: Đối với các chủ tàu Việt Nam hiện nay có thể phân làm hai. Chủ tàu hình thành từ thời kháng chiến chống Mỹ, đa phần là chủ tàu lớn, có nhiều kinh nghiệm nên hạn chế được nhiều rủi ro. Các chủ tàu mới phát triển trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân thì rất ít kinh nghiệm trong việc xử lý tranh chấp. Đó chính là điểm hạn chế.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện vẫn chưa thoát khỏi danh sách đen (gồm 10 nước) của Hiệp định Tokyo – văn bản quốc tế quy định việc lưu giữ các tàu không đảm bảo chất lượng xuất cảng. Việc chưa thoát khỏi danh sách này có ba lý do.

Thứ nhất là trang thiết bị tàu nghèo nàn không đáp ứng tiêu chuẩn.

Thứ hai là các chủ tàu mới thành lập hiểu biết về công ước quốc tế liên quan đến hàng hải còn mơ hồ.

Thứ ba là trình độ của thuyền viên còn rất kém, khi thao tác, vận hành thông thường không thuộc, không đọc, không hiểu, không biết. Đó là nguyên nhân ngày càng có nhiều tàu của Việt Nam bị lưu giữ.

Điều này khiến chủ tàu rất tốn phí vì tàu phải nằm lại cảng cho đến khi giải quyết xong các thủ tục, bị ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín trên thương trường khi tham gia ký hợp đồng khai thác. Hiệp hội chủ tàu Việt Nam đã kiến nghị hai cơ quan chuyên môn là Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam phải xử lý mạnh tay hơn. Thậm chí, các con tàu trên 30 tuổi phải kiên quyết rút giấy phép hoạt động tuyến nước ngoài vì những con tàu này không thể có vật tư thiết bị phù hợp nữa, nếu cho chạy ra ngoài thì rất dễ bị lưu giữ.

PV: Vậy thực chất điểm yếu của Việt Nam khi tham gia giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế là gì?

Ông Đỗ Xuân Quỳnh: Có nhiều cái yếu, nhưng theo tôi có hai cái cơ bản: đó là sự thiếu hiểu biết về luật hàng hải của nước đối phương và khả năng tranh tụng bằng tiếng Anh tại tòa kém. Đối với nhiều quốc gia khác, việc tranh tụng tại tòa bằng tiếng Anh khá đơn giản, nhưng đối với người Việt Nam lại rất khó.

PV: Hiện nay, các hãng luật, công ty luật Việt Nam, theo ông, đã đủ sức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN Việt Nam khi gặp tranh chấp hay chưa?

Ông Đỗ Xuân Quỳnh: Đây là câu hỏi khó trả lời. Thông thường, trong các hợp đồng cho thuê tàu, họ thường chọn luật giải quyết tranh chấp là luật Singapore và tòa án Singapore. Việc các doanh nghiệp của Việt Nam chọn hãng luật trong nước thay mặt họ giải quyết các tranh chấp này là rất ít vì luật sư tương đối có kinh nghiệm xử lý tranh chấp hàng hải của Việt Nam là hơi hiếm. Đây cũng là hạn chế rất lớn cho phía chủ tàu Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Thời gian gần đây, các vụ tàu biển Việt Nam bị bắt giữ ở nước ngoài liên quan đến nguyên nhân nợ nần tài chính ngày càng nhiều. Một số ít khác là do vi phạm về quy định hàng hải hoặc gặp rủi ro như bị phía nước ngoài bắt nhầm… Số lượng tàu bị bắt giữ ở nước ngoài gia tăng, trong khi đó chi phí để có thể giải phóng tàu là rất lớn, quá sức doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trong năm 2010, đã xảy ra khá nhiều vụ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài. Điển hình như vụ tàu Phúc Hải Sun thuộc Công ty TNHH vận tải biển Phúc Hải bị neo giữ tại Nigeria từ giữa năm 2010 hay vụ tàu Hồng Sơn (thuộc CTCP vận tải biển Quang Trường) bị Chính quyền cảng Chittagong (Bangladesh) lưu giữ gần ba tháng do Công ty Quang Trường nợ Công ty Total Group số tiền gần 100.000 USD gồm phí vận chuyển, nhiên liệu, dịch vụ canh gác tàu…

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử