Bàn cách giảm chi phí kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chi phí tuân thủ cao do quy định không phù hợp

Trong cuộc góp ý sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí diễn ra hôm qua (22/3), ông Trần Trọng Hữu, Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam đã nhấn mạnh, một văn bản mà trong 6 năm sửa đổi tới 3 lần và chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để tuân thủ là quá lớn.

Nghị định 19/2016/NĐ-CP được ban hành, thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng có một số quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Đáng lẽ các quy định, nhất là các điều kiện kinh doanh trước khi được ban hành cần phải tính tới chi phí thực thi. Nếu chi phí này quá lớn, cơ quan ban hành cần phải tính toán và đề xuất phương thức khác phù hợp hơn”

–  Ông Phan Đức Hiếu,Phó viện trưởng CIEM

Có doanh nghiệp kinh doanh khí đầu mối đã tính, chỉ riêng việc tuân thủ điều kiện về số lượng bình, họ sẽ phải bỏ thêm khoảng 100 tỷ đồng để mua 100.000 vỏ bình và xây kho chứa 300 m3. Vấn đề nằm ở chỗ, công ty này hoạt động ở tỉnh Đắk Lắk với thị trường nhỏ, nên phần lớn số vỏ bình sẽ nằm ở trong kho. Với doanh nghiệp, đó là sự lãng phí.

Những con số chi phí phát sinh quá lớn, thậm chí có thể làm nhiều doanh nghiệp kinh doanh khí phá sản đã thuyết phục việc đưa Nghị định 19/2016/NĐ-CP vào kế hoạch sửa đổi trong năm nay. Tuy nhiên, dự thảo mới vẫn còn những quy định chưa cụ thể, khiến các doanh nghiệp chưa thể an tâm.

“Tôi không hiểu tại sao lại yêu cầu thương nhân sản xuất, chế biến khí thiên nhiên nén (CNG) phải có kho chứa, vì dẫn từ ngoài khơi vào bằng ống, nén trực tiếp vào xe bồn cấp đến nhà máy, thì đâu cần kho chứa… Đề nghị Ban Soạn thảo tham khảo từ những doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh CNG để có thêm thông tin”, ông Hữu khuyến nghị.

Cần thêm ý kiến của nhiều doanh nghiệp

Điều đáng tiếc là, chi phí tuân thủ quá lớn do các quy định thiếu thực tế không phải là tình trạng quá hiếm gặp.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã từng nhắc tới con số 500 biểu mẫu báo cáo xuất nhập cảnh mà doanh nghiệp dệt may phải tuân thủ khi thực hiện Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, với nỗi bất an rất lớn từ các hội viên.

“Sự thay đổi của bất kỳ chính sách nào cũng cần có sự tham vấn kỹ càng từ các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp, có thể chia nhỏ lộ trình thực hiện nếu thực sự cần thiết để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị kịp cả về tài chính và nhân sự…”, ông Trường nói.

Chia sẻ vấn đề trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, rất ít văn bản đánh giá tác động các chính sách đề nghị ban hành nhắc tới sự so sánh giữa chi phí thực thi và lợi ích quản lý đạt được.

“Đáng lẽ các quy định, nhất là các điều kiện kinh doanh trước khi được ban hành cần phải tính tới chi phí thực thi. Nếu chi phí này quá lớn, cơ quan ban hành cần phải tính toán và đề xuất phương thức khác phù hợp hơn”, ông Hiếu nói.

Đó là lý do CIEM đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách cắt giảm chi phí của doanh nghiệp. Việc nghiên cứu tập trung vào các chi phí do quy định pháp luật gây ra một cách không cần thiết, không hợp lý hoặc các chi phí phát sinh trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật từ công đoạn đăng ký kinh doanh đến sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ…

TS. Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, sẽ lấy ý kiến doanh nghiệp cho nghiên cứu này từ nay đến tháng 6/2017, hoàn thành trong tháng 7/2017 để trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi hoàn thiện trình Chính phủ vào tháng 9/2017.

“Lúc này, ý kiến phản biện từ doanh nghiệp đặc biệt có ý nghĩa, vì các doanh nghiệp là người trực tiếp chi trả”, ông Đặng Quang Vinh kỳ vọng.

Theo Khánh An
baodautu.vn