Bộ máy công quyền phải phục vụ cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gỡ khó tại chỗ

Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT về việc doanh nghiệp trong nước chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng, ông Trần Thành Trọng – Tổng giám đốc Công ty Ánh sáng ban mai (Bình Dương) cho biết, các thiết bị máy móc ngành điện do doanh nghiệp này sản xuất đã được Bộ Công Thương cấp phép là sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. “Tuy nhiên, khi tham gia vào nhiều hợp đồng đấu thầu, hồ sơ mời thầu lại ghi yêu cầu: Hàng ngoại nhập 100% để đồng bộ thiết bị. Chúng tôi đã phản ánh với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) với mong muốn được cạnh tranh bình đẳng, chứ chưa cần xin ưu đãi nhưng chưa nhận được phúc đáp”, ông Trần Thành Trọng phản ánh. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận đây là một rào cản khá lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Để giải quyết vướng mắc này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã yêu cầu Cục Quản lý Đấu thầu phải lập tức thanh tra sự việc, công khai chủ đầu tư không tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội và phản hồi với Công ty Ánh sáng ban mai. “Luật Đấu thầu đã quy định rõ ràng về vấn đề này, Nghị định hướng dẫn cũng vậy. Vì thế phải có chế tài để xử lý những người không thực thi nghiêm các quy định của pháp luật” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình – Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Hanel, thuế thu nhập cao đang cản trở doanh nghiệp thu hút người tài. Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết: “Một số nước (như Mỹ) dùng chính sách thuế thu nhập để thu hút nhân tài. Với người tài năng, doanh nghiệp có thể trả lương 1-3 triệu USD/năm và không mất thuế. Trong khi đó, Việt Nam đang thiếu nhân tài nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp sẵn sàng chi ra quỹ lương cao để mời người tài nhưng ngoài quỹ lương phải trả, doanh nghiệp phải chịu thêm 40% thuế. Doanh nghiệp không chịu nổi và chuyên gia cũng chỉ làm việc trong thời gian ngắn”. Chia sẻ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, các vấn đề liên quan đến thuế đã được cải cách nhiều, song vẫn còn những bất hợp lý. Bộ KH-ĐT sẽ tiếp thu và trao đổi thêm với Bộ Tài chính để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thu hút chuyên gia vào làm việc tại Việt Nam. 

Minh bạch là một thách thức 

Ông Ricky Tan – đại diện Tập đoàn giáo dục quốc tế Kinder World mong muốn Luật Đầu tư (sửa đổi) được hiện thực hóa, giảm số ngày làm thủ tục đầu tư từ 45 ngày xuống còn 15 ngày. Đại diện Tập đoàn Kinder World  cho rằng đã có trường hợp doanh nghiệp phải mất 3-4 năm mới làm xong thủ tục đầu tư. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, việc cấp phép xây dựng trường không chỉ liên quan đến các thủ tục đất đai, địa điểm mà còn những thủ tục liên quan đến Bộ GD-ĐT. “Để đưa Luật vào cuộc sống, cản trở lớn nhất là con người. Vì thế, lần này chúng tôi rất cương quyết, sẽ có chế tài pháp luật đủ mạnh để tránh chuyện công chức Nhà nước gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh là để đóng góp cho đất nước, vậy tại sao lại hành họ? Bộ máy công quyền phải phục vụ cho doanh nghiệp, cũng chính là phục vụ cho sự phát triển của đất nước” – Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, minh bạch là một trong những thách thức lớn của năm 2015. Một số nhà đầu tư châu Âu đã không tiếp cận thị trường Việt Nam do tham nhũng. “Họ cho biết họ có sản phẩm thiết bị Việt Nam mua được, nhưng họ không bán được. Ngược lại, Việt Nam có sản phẩm doanh nghiệp nước ngoài mua được nhưng họ cũng không thể mua. Nguyên nhân vì dù làm người mua hay người bán, phía doanh nghiệp Việt Nam đều yêu cầu phải có hoa hồng. Sản phẩm của họ có giá 10 đồng, thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ mua với giá 8 đồng, vì 2 đồng phải trích lại hoa hồng. Sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam đưa ra giá 10 đồng, khi họ mua lại phải kê lên 12 đồng. Câu chuyện này khá phổ biến và gây cản trở đầu tư, thương mại và tụt hậu” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu phải tăng cường minh bạch trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng tăng trưởng để thu hút các nhà đầu tư. Nguồn: Báo Điện tử An ninh thủ đô