Bớt ảo cho những mức lãi suất “khủng”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.


Tuần đầu tiên sau ngày 10/10/2011, thị trường liên ngân hàng nổi sóng. Khó khăn thanh khoản của một số thành viên trong hệ thống lại trở thành vấn đề nóng bỏng. Diễn biến này kéo dài đến gần cuối tháng 10 mới ổn định trở lại.

Trong biến động đó, khác với những diễn biến thường thấy, bên cạnh các kỳ hạn ngắn, thị trường đón nhận sự đột biến của lãi suất ở các kỳ hạn dài (trong cơ cấu giao dịch tại đây), đặc biệt là kỳ hạn 12 tháng.

Dữ liệu giao dịch cho thấy, cao điểm những ngày 17, 18 và 20/10, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 12 tháng vọt lên tới 20,64% – 20,73%/năm. Hay dữ liệu cập nhật gần nhất, ngày 3/11, mức giao dịch bình quân ở kỳ hạn này lên tới 20,40%/năm.

Đây là biến động bất thường so với quá khứ, khi các thời điểm “nóng” về thanh khoản lãi suất chủ yếu chỉ tăng cao ở các kỳ hạn ngắn. Với thị trường nói chung vừa qua và hiện nay, những con số trên 20%/năm của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng như vậy đi cùng với lo ngại, có thể tạo hiệu ứng tâm lý bất lợi.

Nhưng, với sự hỗ trợ thêm thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, góc nhìn về những mức lãi suất “khủng” đó đang được đầy đủ hơn; qua đó, giúp công chúng tiếp cận một cách chính xác hơn tính đại diện của nó.

Từ trung tuần tháng 10/2011, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước mở rộng hơn thông tin về dữ liệu giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh lãi suất giao dịch bình quân ở các kỳ hạn, nhà điều hành bổ sung thêm doanh số giao dịch cụ thể qua mỗi ngày. Điều này có thể đã cũ với nhiều tổ chức đầu tư, nhưng là giá trị mới với đại chúng, dù bất đối xứng thông tin vẫn đang tồn tại…

Lâu nay, công chúng tiếp cận dữ liệu kết quả giao dịch trên thị trường liên ngân hàng với độ trễ so với thời gian thực từ 3 – 4 ngày. Hạn chế lớn nhất là dữ liệu doanh số gắn với từng kỳ hạn và mức lãi suất công bố. Đó như là một góc khuất khiến tính đại diện của lãi suất trở nên mơ hồ khi lường định giá trị phản ánh của nó đối với tình hình chung của thị trường.

Như ở diễn biến trên, lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn 12 tháng liên tiếp vượt trên 20%/năm, đầu tháng 11 này lại tái hiện. Nhưng kỳ thực tính đại diện của nó rất yếu đối với diễn biến chung của thị trường. Điều này được khẳng định khi Ngân hàng Nhà nước cập nhật thêm doanh số giao dịch với lượng ít ỏi và tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh số mỗi ngày.

Cụ thể như trong ngày cập nhật gần nhất, 3/11, mức lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn 12 tháng lên tới 20,4%/năm, tạo một sự đột biến so với mức bình quân các kỳ hạn còn lại (phổ biến quanh 14%/năm). Nhưng, mức 20,4%/năm này chỉ gắn với doanh số gần như không đáng kể, chỉ 2 tỷ đồng trong tổng doanh số hơn 23.000 tỷ đồng trong ngày.

Tương tự, có thể thấy trong ngày 17/10 vừa qua, lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn 12 tháng lên tới 20,64%/năm, nhưng cũng chỉ có… 200 triệu đồng doanh số; hay mức 20,73%/năm trong ngày 18/10 cũng chỉ có 5,2 tỷ đồng doanh số.

Trong những trường hợp như vậy, tính đại diện của những mức lãi suất “khủng” đó là rất nhỏ so với quy mô thị trường gấp hàng chục nghìn lần, song hiệu ứng của nó có thể không nhỏ nếu dữ liệu công bố chỉ đơn độc về lãi suất như trước đây.

Thêm thông tin, thêm giá trị. Hơn một năm về trước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng đưa ra cam kết là sẽ thông tin chi tiết, đầy đủ hơn thông tin về giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng phải đến thời điểm này mới có một bước đi cụ thể như vậy.

Hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho sự đầy đủ hơn, cập nhật hơn trong thời gian tới – như một yêu cầu để dần thu hẹp sự bất đối xứng thông tin trên thị trường hiện nay.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam