Bức tranh kinh tế chưa hết gam màu xám
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Diễn biến kinh tế những tháng đầu năm 2010 từng mang đến cho giới doanh nghiệp sự kỳ vọng rất lớn về một tình hình sáng sủa hơn. Tuy nhiên, đến giữa năm, sự biến động liên tục và gần như cùng lúc của lãi suất ngân hàng, tỉ giá VND/USD, giá vàng… đã khiến cho doanh nghiệp bất ngờ, bối rối, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Trước đó, Chính phủ đã cam kết sẽ lấy ổn định vĩ mô làm nền tảng phát triển, ưu tiên các chính sách phát triển kinh tế cân bằng. Nhưng sau đó, cam kết trên lại được biểu hiện bằng các biện pháp điều hành thiên về thành tích tăng trưởng. Mục tiêu bình ổn vĩ mô bị thay bằng chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao. Cuộc trò chuyện sau đây với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan sẽ làm rõ hơn xung quanh vấn đề này.

Có vẻ trong quý I và cả quý II/2011, màu xám vẫn là gam chủ đạo trong bức tranh kinh tế vĩ mô?

Bước sang năm 2011 nhiều doanh nghiệp tin rằng tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn so với năm ngoái, ít nhất trong những tháng đầu, dù có tác động từ kết quả Đại hội Đảng XI và cam kết kìm giá trước Tết từ Chính phủ.

Nhưng kìm giá thường chỉ là giải pháp chữa cháy vào dịp cuối năm?

Đúng là kìm giá chỉ là biện pháp tạm thời. Và thực ra, nó chỉ mang lại lợi ích cho số ít doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân cho biết không thể lọt vào nhóm doanh nghiệp kia giữa lúc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Đặc biệt, trong năm 2010, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đạt được sự ổn định vĩ mô với mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp, chỉ khoảng 2-4%. Có một tờ báo nước ngoài đã ví Việt Nam như ốc đảo bất ổn về vĩ mô trong một khu vực đang có sự ổn định vĩ mô tốt. Điều này sẽ bất lợi cho vị thế của kinh tế Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp lại tăng vì họ hiểu phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chất lượng sản phẩm cũng như hoạt động marketing thì mới có thể cạnh tranh ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Liệu có hy vọng nào cho hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay không?

Tôi đã có dịp tham gia một số cuộc trao đổi với các doanh nghiệp vào cuối năm 2010. Bước sang năm 2011, tâm lý chúng tôi ghi nhận được từ phía doanh nghiệp là sự lo lắng về một bức tranh màu xám ít nhất cho đến giữa năm bởi các yếu tố vĩ mô như lãi suất ngân hàng, tăng giá điện từ tháng 3.2011, lạm phát. Và quả thực, tôi cũng chưa nhìn thấy yếu tố tích cực nào để có thể lạc quan hơn.

Đầu năm, Chính phủ cam kết ưu tiên ổn định vĩ mô cho năm nay và cả vài năm tới nhưng đồng thời, lại đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng 2011 cao hơn 2010.

 

Nghĩa là căn bệnh thành tích vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, năm qua lại chứng kiến sự trưởng thành của khu vực doanh nghiệp tư nhân?

Đúng là vẫn có điểm sáng và tôi tin vào tương lai của nền kinh tế nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng bởi một số lý do.

Theo dõi thực tế phát triển của đất nước những năm qua, trước thách thức đối với vai trò thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới hay khó khăn trong khủng hoảng kinh tế, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có sự thay đổi lớn.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đang tăng dần, chứng tỏ tinh thần kinh doanh của người Việt Nam còn lớn lắm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2010 đã có hơn 78.000 doanh nghiệp mới thành lập, tương đương 98,8% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo tôi, đây là xu hướng tích cực vì những công ty mới dù sao cũng tạo ra thị trường cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Về cơ bản, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chơi với nhau được, chứ còn bắt tay với các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua liên doanh thì khá hạn chế.

Hơn nữa, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp Việt khá tốt. Họ tự mình thích ứng và vượt qua khó khăn để tiếp tục đứng vững và vươn lên.

Vậy đâu là phẩm chất chịu đựng nổi bật nhất của doanh nghiệp trong năm 2010?

Tôi nghĩ điểm mấu chốt của doanh nghiệp Việt là thị trường. Còn thị trường, doanh nghiệp còn tồn tại. Thị trường quan trọng hơn vốn liếng. Điều này giải thích vì sao nhiều doanh nghiệp trong năm qua chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất cao, lợi nhuận thấp để giữ thị trường. Hầu hết doanh nghiệp đã biết cách giữ thị trường ở nhiều mức độ khác nhau, tùy vào khả năng cạnh tranh của mình.

Khả năng này có xuất hiện ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu không?

Có và đáng mừng là một số công ty xuất khẩu đã nhận thức được tầm quan trọng của thị trường nội địa, đề ra chiến lược phát triển song song với thị trường nước ngoài để hỗ trợ lẫn nhau. Một số khác tìm cách tự đa dạng hóa thị trường không cần Nhà nước mở đường.

Nhưng nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là chưa đủ, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo bà, Nhà nước đã thể hiện đúng vai trò của mình chưa?

Trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lẽ ra không nên chỉ dừng lại ở phạm vi doanh nghiệp hay ý thức của người tiêu dùng, Nhà nước phải hành động nhiều hơn. Nhiều công ty đã làm tốt chương trình này mà không hề có bóng dáng của Nhà nước.

Có lần tôi đã nêu khuyến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cụ thể cho những doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và mở rộng hệ thống phân phối… Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước dư sức làm việc này bởi họ có ngân sách và được sinh ra để làm những việc như vậy, nhưng có mấy đơn vị đã làm được? Từ đó, có thể kết luận Nhà nước đã làm tốt vai trò của mình hay chưa.

Nhiều doanh nghiệp còn trăn trở về sự èo uột của hệ thống phân phối hàng hóa nội địa, bà nhận xét vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng sự tồn tại của hệ thống phân phối trong nước là vô cùng quan trọng, bởi vì đi với nó là sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lẽ ra các cơ quan Nhà nước phải ý thức rất rõ về việc này và có chính sách lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nó. Nhưng công việc này vẫn chưa được chú trọng.

Cũng phải nhắc đến sự phát triển của hệ thống dịch vụ hậu cần (logistics), rất cần thiết cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Một lần nữa, lĩnh vực này cũng không thấy bóng dáng Nhà nước, chỉ có sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Logistics là ngành đòi hỏi có một nền hạ tầng phát triển và đó là nhiệm vụ của Nhà nước.

Và không thể không nhắc tới vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề điều chỉnh tỉ giá, lãi suất?

Điều này báo chí đã nói nhiều rồi, các chuyên gia cũng đã lên tiếng nên tôi xin phép chỉ nói vắn tắt. Ngân hàng Nhà nước cần rút kinh nghiệm trong công tác điều hành tỉ giá và lãi suất, tránh kiểu điều hành giật cục và mang tính ngắn hạn như năm qua. Nhưng cũng cần thông cảm cho Ngân hàng Nhà nước bởi họ khó có thể làm tốt nhiệm vụ trong khi chưa có được vai trò độc lập thực sự trong điều hành chính sách tiền tệ. Họ có thể làm gì nếu cứ tiếp tục bị chỉ đạo phải làm thế này, phải làm thế kia.

Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu đầu tư điện tử