Bức tranh xuất khẩu gạo 2010
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thị trường gạo năm 2010 khép lại với những diễn biến hết sức khó lường. Giá cả năm 2010 đã diễn biến rất khác biệt so với những năm trước, đầu năm giá tăng cao, giảm sâu vào giữa năm và tăng bật trở lại vào cuối năm. Nhiều doanh nghiệp đã thua lỗ khá nặng vào thời điểm giữa năm khi ký các hợp đồng xuất khẩu với mức giá thấp, trong khi quay lại mua gạo để xuất khẩu thì giá tăng cao. Thời điểm này trong năm có thể coi là “vùng đáy rủi ro” như trong biểu đồ giá gạo nguyên liệu và giá xuất khẩu.

“Vùng đáy rủi ro” với mức giá lúa và gạo nguyên liệu ở mức thấp nhất trong năm, lúa khoảng 4.000 đồng/ki lô gam, gạo nguyên liệu ở Đồng Tháp, Tiền Giang ở mức 5.500 đồng/ki lô gam và 5.800 đồng/ki lô gam, nhưng đó chưa phải là mức đáy của giá xuất khẩu với gạo 5% tấm ở mức trên dưới 400 đô la Mỹ/tấn. Giá gạo xuất khẩu chạm đáy vào khoảng tháng 8, thời điểm Việt Nam xuất khẩu ồ ạt gạo 25% tấm với mức giá thấp, có lúc xuống đến 300 đô la Mỹ/tấn. Nhưng chính vào thời điểm này, giá lúa và gạo nguyên liệu đã bật mạnh lên trước khi giá xuất khẩu kịp đi lên, gạo nguyên liệu ở Đồng Tháp và Tiền Giang lên mức xấp xỉ 6.000 đồng và 6.700 đồng/ki lô gam.

Như vậy, khi mức giá xuất khẩu chạm đáy thì giá gạo nguyên liệu nhích lên do phản ứng với lượng mua vào tăng lên của các doanh nghiệp(*). Sự đảo ngược nhanh chóng của thị trường đã làm cho nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp và chịu thua lỗ trong tình thế không có đường lui.

Thời điểm này đã bộc lộ những thách thức lớn nhất của giới kinh doanh lúa gạo, nhưng cũng có thể là cơ hội tốt để thu lợi nhuận, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có ưu thế về hệ thống kho trữ nếu mua vào ở thời điểm thấp và găm giữ chờ giá lên. Tuy nhiên, điều này là khá rủi ro trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức như vốn ít, lãi suất cao và quan trọng hơn là một số doanh nghiệp có thói quen chờ khi có hợp đồng mới đẩy mạnh thu mua. Một trong những thay đổi về chính sách kinh doanh gạo quan trọng nhất trong vài năm gần đây là Nghị định 109 của Chính phủ. Mặc dù năm 2011 nghị định này bắt đầu triển khai và phải mất thêm vài năm để có thể nhìn thấy tác động, nhưng với những quy định về điều kiện kinh doanh gạo như kho bãi, năng lực xay xát… sẽ có một cuộc thanh lọc quy mô lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu hướng đến của Nghị định 109 là lành mạnh hóa thị trường lúa gạo, thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả hơn, nhưng chính sách này cũng sẽ làm lợi cho các doanh nghiệp lớn khi làm giảm áp lực cạnh tranh trong xuất khẩu.

Năm 2010 cũng cho thấy những động thái của Campuchia trong việc chuẩn bị tự xuất khẩu gạo. Sự quyết tâm của Chính phủ Campuchia tăng đầu tư vào ngành lúa gạo, đàm phán với các nước như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bangladesh, cùng với các đề nghị đầu tư vào ngành gạo nước này từ phía Trung Quốc hay Bangladesh sẽ đặt ra thách thức cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong trung hạn với tư cách đối thủ cạnh tranh và nguồn gạo nguyên liệu cung ứng sang Việt Nam sẽ hạn hẹp hơn.

Năm 2010, biện pháp giá sàn đã được VFA sử dụng với mức độ dày đặc và khó lượng định vào những thời điểm “nhạy cảm”. Mục tiêu của chính sách này là điều tiết thị trường và đem lại mức giá xuất khẩu có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, các thay đổi chính sách đã làm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Những ngày cuối năm 2010 chứng kiến sự kiện Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long lên sàn chứng khoán. Đây là một tín hiệu về những biến chuyển của cơn sóng ngầm trong việc kinh doanh gạo trong tương lai. Việc lên sàn giúp cho doanh nghiệp tăng khả năng huy động vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh và đổi mới cơ cấu quản trị… nhằm mở đường và thúc đẩy cạnh tranh trong nội bộ.

Năm 2011 thị trường gạo được đánh giá sẽ đi lên so với năm 2010. Tuy nhiên, vẫn còn các yếu tố rủi ro khó lường. Các câu hỏi vẫn chưa có lời giải về việc liệu Ấn Độ có mở kho dự trữ hoặc sự tham gia của Trung Quốc vào thị trường ra sao, nhập khẩu gạo của Philippines sẽ diễn tiến theo hướng nào, cũng như các tác động bất thường của thời tiết có thể làm cho thị trường diễn biến khó lường.

Phạm Quang Diệu
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
______________________

(*) Giá gạo xuất khẩu tại thời điểm ghi nhận luôn có độ trễ, phản ánh các hợp đồng đã ký trước đó thường là 1-2 tháng. Và để cung cấp các đơn hàng này tại thời điểm ghi nhận thì doanh nghiệp phải gom gạo trước đó một tháng.