Có luật, doanh nghiệp vẫn hoạt động chui
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hoạt động cho thuê lại lao động đã chính thức được luật hóa kể từ ngày 1/5/2013, khi Bộ luật Lao động 2012 bắt đầu có hiệu lực. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được phép cho thuê lại lao động.

Động thái này được kỳ vọng là sẽ góp phần chấn chỉnh lại hoạt động cho thuê lao động vốn rất bát nháo bấy lâu nay. Tuy nhiên, nhiều điều khoản quy định của pháp luật thực tế vẫn đang tiếp tục gây không ít tranh cãi.

Dịch vụ đã có chục năm nay

“Thực tế, từ năm 2001, dịch vụ cho thuê lao động đã xuất hiện ở Việt Nam, nhưng đều mang tính chất làm chui, vì Bộ luật Lao động chưa có điều khoản nào điều chỉnh hoạt động này”, ông Trịnh Đình Long, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp phát triển DN AMICA nói và cho biết, ở những tỉnh, thành phố có thị trường lao động lớn, như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng…, dịch vụ này khá phát triển.

Trước khi xây dựng điều khoản điều chỉnh dịch vụ cho thuê lao động để đưa vào Bộ luật Lao động 2012, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu về vấn đề này.

Theo kết quả khảo sát của hai cơ quan này, ngay từ năm 2011, các tỉnh như Bình Dương đã có tới 51 DN, TP.HCM có 59 DN, Cần Thơ có 32 DN… chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động (phần lớn là lao động phổ thông, lao động bảo vệ) cho hàng trăm DN khác.

Với sự phát triển của thị trường lao động, thì loại hình dịch vụ cho thuê lao động khá tiện ích. Nó giúp DN sử dụng lao động giảm nhẹ được phần cơ cấu lao động không thuộc cơ hữu, chủ đạo của mình. Ngoài ra, không phải lúc nào DN cũng chủ động được nguồn lao động trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, việc cho thuê lại lao động hiện rất bát nháo và người chịu thiệt thòi chính là người lao động.

Theo quy định, các DN cho thuê lao động có trách nhiệm tuyển dụng, đào tạo, ký kết hợp đồng với người lao động và thực hiện trách nhiệm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, chứ không phải DN thuê lại. Tuy nhiên, phần lớn DN chỉ ký lương khoán hay hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng để né việc đóng bảo hiểm cho người lao động.

Người lao động phổ thông đa phần lại thiếu năng lực, kỹ năng đàm phàn, thỏa thuận, nên đây chính là kẽ hở để các DN cung ứng dịch vụ lợi dụng.

Ông Nguyễn Đăng Tuấn, đang làm bảo vệ cho một DN tư nhân trên phố Cầu Giấy (Hà Nội), là lao động được cho thuê lại thông qua Công ty Dịch vụ bảo vệ Tín Nghĩa cho biết, DN thuê lại phải trả cho Công ty Tín Nghĩa 5,5 triệu đồng/tháng, nhưng mức lương mà Tín Nghĩa trả cho ông chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng.

“Công ty có đóng bảo hiểm xã hội cho tôi hay không thì thật sự tôi cũng không biết. Cho dù biết là bị trừ tiền lương quá cao, nhưng vẫn phải chấp nhận vì giờ có việc làm là may rồi”, ông Tuấn thừa nhận.

Trao đổi về tình trạng bát nháo trong các DN có dịch vụ cho thuê lại lao động, bà Nguyễn Thu Bình, chuyên viên Phòng Lao động (Ban Quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất Hà Nội) cho biết, qua công tác thanh, kiểm tra các hợp đồng lao động của nhiều DN trong các khu công nghiệp – khu chế xuất mấy năm gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều DN đã ký hợp đồng thuê lại lao động của đơn vị không có chức năng làm dịch vụ cung ứng lao động.

“Việc các DN thuê lại lao động quan tâm là mức lương đàm phán với công ty cung ứng càng thấp càng tốt, còn người lao động được trả bao nhiêu không quan trọng. Họ cũng chỉ ký hợp đồng ngắn hạn, nếu cần thì lại lại ký tiếp. Làm thế, họ cũng né được trách nhiệm đóng bảo hiểm cho lao động, vì không thuộc trách nhiệm của mình mà lại né được cả việc vi phạm Bộ luật Lao động. Như vậy lợi cả đôi đường”, bà Bình cho biết. Nếu DN cung ứng dịch vụ hoạt động không có phép, không đóng bảo hiểm cho lao động, khi xảy ra tranh chấp như bị nợ lương, cả hai DN cung ứng và và thuê lại đều chối bỏ trách nhiệm, lao động sẽ là người chịu thiệt đầu tiên.

Nhà nước ra tay bảo vệ quyền lợi người lao động

Để tránh tình trạng này, Nghị định 55/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, để được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, DN phải đảm bảo một số tiêu chuẩn cơ bản, như đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng; người đứng đầu DN phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 3 năm trở lên, có trụ sở ổn định từ 2 năm…

Theo lý giải của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số tiền ký quỹ lớn là để bồi thường và thanh toán tiền lương cho người lao động khi xảy ra tranh chấp mà đơn vị cho thuê không đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người lao động. Thế nhưng, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lại cho rằng, theo quy định này, nhiều DN nhỏ, thay vì đi vào hoạt động theo khuôn khổ lại phải tiếp tục hoạt động chui. Vậy, mục tiêu quản lý liệu có đạt được không hay lại gây tác dụng ngược.

Theo giám đốc một công ty dịch vụ bảo vệ tại Hà Nội, việc ký quỹ là đúng, nhưng phải tùy thuộc vào quy mô DN. Với một DN nhỏ trong thời buổi này, đóng 2 tỷ đồng tiền ký quỹ thì gửi ngân hàng rồi ngồi nhà hưởng lãi suất còn hơn là kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lại cho rằng, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, người lao động rất dễ bị thiệt thòi, nên phải ký quỹ lớn để đảm bảo chỉ có các DN cung ứng đủ năng lực thực hiện, tránh rủi ro cho người lao động.

Phan Long
Nguồn: http://baodautu.vn/co-luat-doanh-nghiep-van-hoat-dong-chui.html