Có những yêu cầu mà DN “không thể thực hiện nổi”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, Chính phủ đã yêu cầu 10 Bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế và phải chuyển mạnh sau hậu kiểm.

Sau 9 tháng triển khai yêu cầu này, theo Bộ KHĐT, một số Bộ gồm Tài chính; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai các hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành.

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực này, ngày 17/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đề án xác định Danh mục 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi bổ sung, thuộc lĩnh vực quản lý của 13 Bộ. Đa số các văn bản trong Danh mục cần sửa đổi, bổ sung là Thông tư và Thông tư liên tịch (64/87 văn bản), và Quyết định (14/87 văn bản) của các Bộ.

Một nỗ lực khác chưa được Bộ KHĐT cập nhật kịp thời trong báo cáo gửi Chính phủ, đó là việc ngành Hải quan cùng các cơ quan vừa mở các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài và dự kiến sẽ tiếp tục mở tại nhiều nơi khác, giúp DN bớt phải “chạy đi chạy lại” giữa các cơ quan như trước đây.

Tuy nhiên, Bộ KHĐT vẫn thẳng thắn chỉ ra, cho đến thời điểm này, nếu ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực cải cách và đạt nhiều kết quả, thì vấn đề kiểm tra chuyên ngành do các Bộ khác quản lý vẫn là vướng mắc lớn nhất trong thủ tục thông quan hàng hoá.

Những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành không chỉ là nguyên nhân dẫn tới thứ hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong hai năm gần đây (mỗi năm giảm 1 bậc), mà còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường kinh doanh.

Lý do, là không ít những nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành mà Chính phủ giao chưa được triển khai thực hiện.

Cụ thể là Bộ Công Thương với nhiệm vụ rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc Danh mục Quản lý chuyên ngành; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2008/NĐ-CP, Nghị định số 26/2011/NĐ-CP và Thông tư số 40/2011/TT-BCT về thủ tục khai báo hóa chất; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 11039/2014/QĐ-BCT về danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm đối với những mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương.

“Trong số 10 Bộ được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương có số văn bản được nêu nhiều nhất. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản chưa được ban hành”, Bộ KHĐT nhận xét.

Tương tự là Bộ Khoa học và Công nghệ với nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa; Bộ Giao thông vận tải với nhiệm vụ thực hiện giải pháp kiểm soát việc thu phụ phí của các hãng tàu; Bộ Y tế với nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2012/TT-BYT về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Còn rất nhiều vướng mắc

Bộ KHĐT khẳng định trên thực tế, còn có rất nhiều vướng mắc trong quản lý chuyên ngành. Lý do là các Bộ, ngành chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành. Phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng, chưa rõ ràng, bị kiểm tra trùng lặp, chồng chéo. Có danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, nhưng chưa được công bố; có Danh mục được công bố nhưng phạm vi quá rộng, tên hàng không rõ ràng và chưa có mã số HS.

Nhiều mặt hàng vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu. Có mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều đơn vị trong cùng một Bộ, hoặc của nhiều Bộ khác nhau dẫn đến kiểm tra trùng lặp giữa các cơ quan (ví dụ, chè, cà phê, dầu cá, nguyên liệu sữa, bột sữa, dầu bơ, phomat, bột ngô, đậu nành, cỏ nuôi bò, tơ tằm, dấm…). Đặc biệt, có những ngành sản xuất mà hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành, trong đó 2/3 lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành của từ 2 cơ quan trở lên (ví dụ ngành sản xuất sữa).

Kiểm tra chuyên ngành nhiều, quá mức cần thiết. Theo kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ khoảng dưới 1% số trường hợp không đạt yêu cầu, điều này đòi hỏi phải chuyển mạnh sang hậu kiểm và kiểm tra trên cơ sở quản lý rủi ro như Nghị quyết đã yêu cầu. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra chuyên ngành vẫn chủ yếu tập trung trong thời gian thông.

Nhiều trường hợp kiểm tra chuyên ngành chỉ mang tính hình thức, ví dụ như men bia hay vải bọc của ghế. Men bia là mặt hàng không thể mở ra ở môi trường bên ngoài để lấy mẫu kiểm tra, nhưng vẫn phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật, thực chất không kiểm tra gì mà vẫn cấp chứng nhận. Hoặc không thể cắt vải bọc của chiếc ghế để kiểm tra formaldehyte, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục với hình thức dùng một miếng vải gần giống để mang đi kiểm định.

Đáng chú ý, một số cơ quan quản lý chuyên ngành đang tạo ra rào cản kỹ thuật đối với cả hàng xuất khẩu.

Đặc biệt, theo Bộ KHĐT, có những yêu cầu về quản lý chuyên ngành không thể thực hiện được, ví  dụ yêu cầu nộp các loại giấy tờ trong hồ sơ nhập khẩu mà nhà xuất khẩu không có. Ví dụ cơ quan kiểm dịch yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch khi nhập khẩu pallet gỗ ép PDF. Đây là gỗ đã được xử lý, theo công ước quốc tế (ISPM15) không phải kiểm dịch, hun trùng, và đơn vị xuất khẩu (nước ngoài) không thể có giấy chứng nhận kiểm dịch để cung cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu (Việt Nam). Hoặc cơ quan kiểm dịch yêu cầu doanh nghiệp nộp chứng nhận nguồn gốc thực vật đối với vật liệu chèn bằng gỗ hoặc đóng gói bằng kiện gỗ, loại chứng từ doanh nghiệp không thể có để nộp.

“Có những vướng mắc, bất cập của chính sách, pháp luật và trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã được doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị nhiều lần, nhiều năm, mà vẫn không được giải quyết. Điều này khiến doanh nghiệp nản lòng, không muốn đóng góp; gây bức xúc không đáng có đối với chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp”, Bộ KHĐT đưa quan điểm. Bộ cũng đưa ra ví dụ cụ thể, đó là Thông tư số 37/2015/TT-BCT về kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may.

Để tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thời gian tới cần tập trung tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong đó chú ý bãi bỏ các quy định không cần thiết; giảm đối tượng quản lý chuyên ngành; giảm hồ sơ, thủ tục, chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với hải quan; thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công qua mạng; chuyển mạnh sang hậu kiểm và thực hiện quản lý trên cơ sở rủi ro.

Thanh Hằng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ