Cá tra xuất khẩu: Chưa hết truân chuyên
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, dù dự thảo đề án tái cấu trúc đã có từ 2 năm nay, nhưng đến giờ dự thảo… vẫn là dự thảo. Theo các chuyên gia kinh tế, chưa có một ngành hàng XK nào ở VN như con cá tra lại có lắm “thuyền” như vậy: Hội nghề cá VN, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (Vasep), Hiệp hội nuôi và chế biến thủy sản An Giang (VFA), Hiệp hội thủy sản cấp tỉnh và gần đây ra đời thêm Hiệp hội cá tra VN. Về phía chính quyền, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo về cá tra, Bộ Nông nghiệp & PTNT thành lập ban chỉ đạo sản xuất cá tra… Nhiều cuộc hội thảo chuyên đề cũng như tổ chức nhiều chuyến đi học tập ở nước ngoài nhưng con cá tra VN đến nay vẫn chưa có thương hiệu trên thương trường và luôn bị đánh “hội đồng” từ các hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng lên.

Ngành kinh doanh có điều kiện

Trước vụ việc con cá tra bị làm “khó” trên thị trường quốc tế, trong nước, cả DN và người nuôi trồng đều khốn đốn do giá cá tra xuống mức trần. Nhiều cuộc hội thảo chuyên đề được tổ chức từ cấp địa phương tới trung ương để mổ xẻ nhằm tìm giải pháp vực dậy ngành cá tra XK. Theo các chuyên gia phân tích thị trường, là do các DN đua nhau chào bán phá giá lẫn nhau để giành mối hàng, làm cho các nhà nhập khẩu ép giá. Và đây là cơ hội “vàng” để Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo của Mỹ (CFA) phát đơn khởi kiện các DN XK VN bán phá giá lần đầu vào ngày 28/6/2002. Và sau 10 năm, kịch bản trên lại tái diễn qua đợt xem xét hành chính lần thứ tám (POR 8) vào ngày 14/3/2013. Cùng lúc đó, các quốc gia nhập khẩu khác cũng dựng lên hàng rào kỹ thuật nhằm tạo sức ép cho các DN XK cá tra VN trên thương trường.

Để giải cứu, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân khó khăn ngành cá tra hiện nay nằm ở hai mấu chốt. Thứ nhất là sự phá vỡ quy hoạch trong nuôi trồng cũng như DN chế biến. Thứ hai là sự thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng và quan hệ lỏng lẻo trong quy trình sản xuất- chế biến – tiêu thụ.

Vì vậy, tái cơ cấu ngành cá tra trước hết cần thực hiện nghiêm quy hoạch cả về diện tích và sản lượng. Từ đó đưa ra lập luận, phải siết chặt quản lý đầu vào – đầu ra, đồng thời phải xây dựng được mối liên kết của các thành phần tham gia chuỗi giá trị với nhau cùng thống nhất về giá bán, chất lượng, chủng loại… thì giá XK cá tra sẽ được nâng lên và tránh được tình trạng bị nước ngoài ép giá, qua đó xây dựng thương hiệu cho con cá tra VN. Trong khi đó, đại diện Vasep, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký lại đề xuất, nghề nuôi cá tra phải cơ cấu lại thành nghề có điều kiện. Người nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch, am hiểu kỹ thuật, gắn kết với nhà máy chế biến… Các nhà máy chế biến, XK cũng cần phải có vùng nguyên liệu riêng và sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Hai điều này phát triển song song sẽ giải quyết tốt mối quan hệ lỏng lẻo giữa người nuôi và DN, chấm dứt tình trạnh thừa – thiếu nguyên liệu như trước đây. Ngoài ra, các DN cũng nên tăng cường kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào như: giống, cá tra bố mẹ, kiểm soát chất lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y. Đối với hoạt động XK, cần tăng cường giám sát được các DN đủ điều kiện XK, nhằm đảm bảo giữ uy tín thương hiệu cá tra.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Kịch – Giám đốc Cty CP thủy sản Cafatex cho rằng, lâu nay chúng ta quá tham và muốn “cải cách” nhanh ngành hàng này nên đưa ra khá nhiều vấn đề cần giải quyết cùng một lúc nên hiệu quả không cao. Đôi lúc làm rối ren thêm và vào ngõ cụt. Theo ông Kịch, việc quan trọng cần làm hiện nay là quy hoạch vùng nuôi, hướng đến cấp phép sản lượng cho từng địa phương, đánh số ao… đồng thời phải ra đời nhanh một nghị định về quản lý sản xuất và XK cá tra thành ngành kinh doanh có điều kiện.

Giảm lượng, nâng chất

Năm 2013, Bộ NN-PTNT sẽ không khuyến khích ngành cá tra tăng sản lượng mà điều tiết sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.

Theo dự báo của Vasep, năm 2013 sẽ là một năm khó khăn cho các DN XK. Kết thúc quý I/2013, kim ngạch XK cá tra chỉ đạt 393 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình đó, để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất ngành cá tra trong năm 2013, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã nói nhiều về tái cấu trúc, sắp xếp lại nghề nuôi, chế biến và XK cá tra, song thực tế vẫn chưa làm mạnh. Năm 2013 sẽ là cơ hội để các DN tập trung vào việc hoàn thiện việc điều hòa vốn, tái sản xuất, kinh doanh, tạo lợi nhuận, phù hợp với khả năng tài chính, đáp ứng về mặt chất lượng sản phẩm của các thị trường khó tính. Năm 2013, Bộ NN&PTNT sẽ không khuyến khích ngành cá tra tăng sản lượng mà điều tiết sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó tập trung nâng cao giá trị để nâng cao hiệu quả XK, phát triển bền vững, khuyến khích DN ký kết hợp đồng liên kết như nuôi gia công, hợp đồng tiêu thụ cá theo hình thức ứng vốn hoặc thức ăn với các DN có vùng nuôi, những hộ nuôi nhiều.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết sẽ hỗ trợ cho các DN bằng nhiều cách để vượt qua khó khăn về rào cản kỹ thuật, chống trợ giá và xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hình ảnh con cá tra đến người tiêu dùng bản địa.

Trong khi trông chờ những giải pháp “quyết liệt” từ phía nhà nước về con cá tra XK, nhiều DN đã chủ động vượt khó qua việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho mình để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính qua việc đạt các chứng chỉ quốc tế cho con cá tra nhằm tạo thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ, mở ra cánh cửa dẫn đến thị trường mới, đồng thời nâng cao hình ảnh con cá tra VN trên thị trường quốc tế.

TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Cần Thơ:
DN đua nhau chào bán phá giá

Chính DN đã tự đẩy mình đi vào con đường khó khăn bởi trong khi VN vẫn gần như đang độc chiếm thị trường XK cá tra thì giá cá tra XK lại theo hướng giảm xuống. Nguyên nhân là do các DN đua nhau chào bán phá giá lẫn nhau để giành mối hàng.

GS, TS Võ Tòng Xuân :
Sản xuất từ nhu cầu thị trường

Kinh tế thị trường là phải tổ chức sao cho không chỉ sản xuất và chế biến gặp nhau mà còn phải gặp được nhu cầu tiêu dùng, để đạt hiệu quả cao nhất. Sản xuất phải xuất phát từ nhu cầu thị trường. Không gây xung đột lợi ích trên thị trường thống nhất toàn cầu, vì như thế dễ tự mình loại bỏ mình ra khỏi thị trường. Trong ngành phải liên kết, hợp tác, và vai trò quản lý nhà nước ở quy hoạch, kế hoạch là không thể thiếu.

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp