Cải thiện môi trường kinh doanh mới “nóng” phía trên
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Trên nóng dưới lạnh” trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhìn từ một bản nghị quyết…

Tuy nhiên, trong khi Chính phủ và một số bộ ngành rất nóng ruột, nhiều bộ ngành khác lại không tỏ ra như vậy.

Mục tiêu gấp gáp

Được ban hành ngày 12/3/2015, Nghị quyết 19 đã đưa các chỉ tiêu khá cụ thể, chẳng hạn năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh sẽ đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN 6, trong đó thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 171 giờ; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định.

Về thời gian thông quan qua biên giới, nghị quyết đặt mục tiêu tối đa là 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

Về thời gian đăng ký kinh doanh, tối đa là 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày; thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng xuống còn tối đa 30 tháng.

Bước sang năm 2016, các yêu cầu của nghị quyết thậm chí còn cao hơn nhiều, theo đó các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu, như khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; thời gian cấp phép xây dựng theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới tối đa không quá 77 ngày (hiện nay là 114 ngày); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày (hiện nay là 57 ngày); tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đưa thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống mức 168 giờ/năm (gồm 119 giờ nộp thuế và 49 giờ nộp bảo hiểm xã hội); đạt trung bình ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới: hoàn thuế, thanh tra và khiếu nại thuế; thời gian xuất khẩu xuống dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu dưới 12 ngày; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 200 ngày (hiện nay là 400 ngày); thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 24 tháng (hiện nay là 60 tháng).

Thực hiện… “đủng đỉnh”

Mục tiêu rõ ràng và gấp gáp là vậy, tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 17/6/2015, Bộ mới nhận được kế hoạch hành động của 11 bộ và cơ quan, 11 UBND tỉnh, thành phố. 

Cho dù, Nghị quyết 19 đã đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương và theo yêu cầu, trước ngày 30/4/2015, các bộ, cơ quan, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động.

Hiện tại, các bộ, cơ quan chưa có kế hoạch hành động gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao.

Cũng trong danh sách này là Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng chính quyền 52 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đáng chú ý là trong số này, Tp.HCM là địa phương được Ngân hàng thế giới lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhưng thành phố cũng chưa có kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết này.

Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra một cách lý giải rằng, do thời gian ban hành nghị quyết mới được 3 tháng nên hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương mới chỉ ban hành kế hoạch hành động, do vậy chưa có kết quả rõ ràng về việc thực hiện các giải pháp.

Một số bộ và hầu hết các địa phương cũng chưa nắm được phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết, do đó việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chưa bám sát chỉ tiêu theo yêu cầu.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam