Cải tổ thị trường chứng khoán: Cần giải pháp căn cơ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cần phải khẳng định rằng, kinh tế vĩ mô bất ổn là nguyên nhân hàng đầu cho sự giảm điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm qua và gần hai tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, sự giảm điểm chỉ là một trong những biểu hiện của sự xuống dốc của thị trường, các biểu hiện khác như thanh khoản giảm sút nghiêm trọng, thiếu sự phân hóa rõ ràng giữa các mã chứng khoán có chất lượng tốt và xấu, hoạt động làm giá ở các mã chứng khoán, đặc biệt là các mã có ảnh hưởng lớn trên thị trường diễn ra một cách thường xuyên… Do vậy, có thể nói rằng, bất ổn vĩ mô chỉ là nguyên nhân kích hoạt cho sự xuống dốc của TTCK Việt Nam, nguyên nhân sâu xa nằm ở vấn đề nội tại của thị trường này, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau đây.

Chất lượng hàng hóa: thấp và khó xác định

Trên TTCK Việt Nam, chất lượng hàng hóa không chỉ thấp mà trong nhiều trường hợp là không thể xác định. Thứ nhất, chất lượng hàng hóa thấp ở các sở giao dịch chứng khoán (GDCK) chủ yếu là do điều kiện niêm yết tương đối dễ dàng. Chẳng hạn để được niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội, doanh nghiệp chỉ cần có vốn điều lệ trên 10 tỉ đồng, kết quả kinh doanh năm liền trước có lãi và một số điều kiện mà hầu như doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng đạt được. Điều kiện niêm yết dễ dàng như vậy đã biến các sở GDCK thành cái chợ, mà nhà đầu tư có thể mua hàng hóa từ thượng vàng đến hạ cám. Sự “đa dạng” về chất lượng hàng hóa là điều mong muốn ở nhiều thị trường nhưng với TTCK thì điều này mang lại nhiều tác động tiêu cực đối với các nhà đầu tư bởi chẳng ai đi đầu tư vào các doanh nghiệp “tiêu tiền tốt hơn kiếm tiền”.

Thứ hai, chất lượng hàng hóa trên TTCK trong nhiều trường hợp rất khó xác định và thậm chí không thể xác định. Nguyên nhân ở đây là do sự thiếu minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, sự thiếu minh bạch này được hỗ trợ bởi hoạt động giám sát, quản lý lỏng lẻo và thiếu nghiêm minh trong việc phát hiện, xử phạt các vi phạm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các sở GDCK. Điều này đã gây nên tình trạng “thông tin bất cân xứng” giữa một bên là các cổ đông “nội bộ” có thông tin “nội gián” và một bên là các nhà đầu tư. Kết quả là các nhà đầu tư ngày càng mất niềm tin vào các doanh nghiệp và TTCK Việt Nam.

Chất lượng các công ty chứng khoán: đáng lo ngại

Có hai vấn đề đáng lo ngại đối với chất lượng các CTCK đó là sự an toàn về mặt tài chính và uy tín của CTCK trong việc cung cấp dịch vụ và quản lý tài sản của nhà đầu tư. Về an toàn tài chính, thị trường đã chứng kiến hai công ty mất khả năng thanh toán các giao dịch và có lẽ ai cũng biết rằng còn rất nhiều CTCK khác đang gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản. Nguyên nhân dẫn đến các CTCK mất thanh khoản thì nhiều nhưng tựu trung nằm ở các CTCK đã không có biện pháp phòng ngừa rủi ro hợp lý trong hoạt động đầu tư kinh doanh của mình, đặc biệt là trong hoạt động tự doanh và tín dụng.

Ngoài ra, uy tín của các CTCK đối với nhà đầu tư cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Rất nhiều các vụ kiện liên quan đến việc các CTCK tự ý bán chứng khoán trên tài khoản của nhà đầu tư đã xảy ra, tương tự các tranh chấp liên quan đến việc đặt lệnh và khớp lệnh giữa nhà đầu tư và CTCK gần như là chuyện thường ngày. Trong những trường hợp này, không ít trường hợp là do lỗi của nhà đầu tư, nhưng với kinh nghiệm và công nghệ hiện nay việc các CTCK vẫn để xảy ra tình trạng này khá thường xuyên là điều khó chấp nhận.

Đặc biệt, trong hơn 100 CTCK hiện nay, số CTCK đã tách tài khoản tiền và tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư riêng biệt và độc lập với nhau và với tài khoản CTCK chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các CTCK đều gộp chung tài khoản tiền của nhà đầu tư làm một, sau đó sử dụng phần lớn số dư để làm việc khác, mà phổ biến nhất là gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài (trong khi các nhà đầu tư chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn) để hưởng chênh lệch lãi suất. Thực trạng này cho thấy rằng các CTCK đang đánh đổi uy tín của mình để tìm kiếm những lợi ích rất ngắn hạn. Đây là tình trạng đáng báo động với các CTCK Việt Nam.

Đâu là giải pháp?

Cần phải khẳng định rằng, những vấn đề về chất lượng hàng hóa, chất lượng các CTCK, các hoạt động thao túng giá trên TTCK… có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan chức năng quản lý, điều hành về chứng khoán. Việc thiếu các hoạt động kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, thiếu những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm về chứng khoán của doanh nghiệp hoặc CTCK là nguyên nhân chính làm cho TTCK Việt Nam ngày càng thiếu minh bạch, dễ dàng bị thao túng bởi một nhóm các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Điển hình như việc các doanh nghiệp nếu chậm công bố thông tin thông thường chỉ bị nhắc nhở hoặc bị phạt với mức vài chục triệu đồng cho dù trong nhiều trường hợp đây là những sai phạm có tính hệ thống hoặc những thông tin cần công bố có tính quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Đồng thời, trong những trường hợp vi phạm của doanh nghiệp hầu như không đề cập đến trách nhiệm cá nhân, cho dù các doanh nghiệp niêm yết đều phân chia trách nhiệm công bố thông tin một cách rõ ràng.

Do vậy, để cải tổ TTCK, thay vì chú tâm vào các giải pháp có tính kỹ thuật như kéo dài thời gian giao dịch, thêm các bộ chỉ số… các cơ quan chức năng cần ngay lập tức thực hiện các giải pháp có tính căn cơ hơn như:

Thứ nhất, tăng cường tính minh bạch cho thị trường bằng cách rà soát các quy định về công bố thông tin, các giao dịch chứng khoán nhằm ngăn chặn các giao dịch nội gián… đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động trên TTCK, tăng nặng hình thức xử phạt các vi phạm trên TTCK, kể cả việc quy định rõ ràng trách nhiệm cá nhân đối với từng vi phạm cụ thể.

Thứ hai, nâng cao tiêu chuẩn niêm yết, sàng lọc các hàng hóa trên thị trường nhằm đảm bảo các doanh nghiệp niêm yết trên các thị trường quan trọng phải có chất lượng tốt từ đó thu hút các nhà đầu tư, nâng cao thanh khoản, từng bước giúp TTCK thực hiện tốt chức năng là kênh huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.

Thứ ba, nâng cao các tiêu chuẩn đối với các CTCK đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn tài chính, ban hành các quy định cụ thể về quản lý rủi ro đối với hoạt động của CTCK, đặc biệt là hoạt động tự doanh và tín dụng. Đồng thời nghiêm khắc xử phạt các CTCK vi phạm về giao dịch, về an toàn tài chính… để từng bước giảm số lượng và nâng cao chất lượng CTCK.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online