Cần điều tiết nhập khẩu của doanh nghiệp FDI
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

NK FDI vẫn tăng

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội nghị giao ban KCN phía Nam diễn ra giữa tuần qua tại Bình Dương, XK của khu vực FDI năm 2012 dự kiến đạt 51,8 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2011, đóng góp 53,2% tổng kim ngạch XK.

Đánh giá cao sự tăng trưởng về XK, đặc biệt với việc tỷ trọng các mặt hàng chế tạo, công nghệ cao của các DN FDI ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của cả nước, cũng như của riêng khối DN FDI, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, đó là một động thái rất tích cực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mại lưu ý rằng XK nhiều, nhưng phải quan tâm xem giá trị gia tăng nền kinh tế nhận được là bao nhiêu.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, dự báo kim ngạch NK của khu vực FDI năm 2012 đạt xấp xỉ 49,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2011, chiếm 44,1% tổng NK. Như vậy, toàn khối DN FDI dự kiến xuất siêu là 2,4 tỉ USD, chỉ tương đương với kim ngạch XK của một mặt hàng nông sản XK chủ lực như cà phê, cao su.

Bên cạnh việc NK nguyên liệu gia công lắp ráp, sau khi Việt Nam thực hiện cam kết WTO về cắt giảm các dòng thuế NK đối với sản phẩm nguyên chiếc, các DN FDI cũng đẩy mạnh việc phân phối và bán hàng tại thị trường Việt Nam thay vì trực tiếp sản xuất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Mochizuki Kentaro, Chủ tịch Công ty Công ty SANYO HA ASEAN (nay đã sáp nhập vào tập đoàn điện tử HAIER và đổi tên thành Công ty TNHH Điện Máy HAIER Việt Nam) cho biết, trước đây, khi NK hàng gia dụng (thành phẩm) vào Việt Nam, DN sẽ bị đánh thuế 50%. Cho đến thời điểm Việt Nam tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) thì mức thuế giảm còn 20% và đến nay là 5%. Thuế NK giảm sẽ khiến nhà đầu tư lựa chọn NK nguyên chiếc hơn là sản xuất.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nhiều DN FDI đã có những bước chuẩn bị cho việc mở rộng mảng phân phối. Cụ thể, Công ty Samsung Vina đã có động thái bổ sung mã hồ sơ của biểu thuế XNK để thực hiện quyền phân phối, tương tự như vậy là trường hợp của Michelin Việt Nam…

Cần giải pháp điều tiết

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, đóng góp của DN FDI vào lĩnh vực XK là điều không thể phủ nhận. Với khả năng chi phối đến hơn một nửa tổng kim ngạch XK của cả nước, khối này hiện đang đóng vai trò đầu tàu để vươn ra thị trường thế giới của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động XK hàng công nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công và dựa trên chi phí nhân công rẻ, giá trị gia tăng tạo ra cho nền kinh tế không nhiều. Do đó, muốn hạn chế NK của DN FDI thì việc sàng lọc các dự án cần phải được tăng cường.

“Đa số các dự án đầu tư nước ngoài trong KCX – KCN TP.HCM hiện sản xuất gia công là chủ yếu, thâm dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, tập trung vào các ngành: Dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Quy mô vốn đầu tư còn nhỏ, số dự án có vốn đầu tư nước ngoài bình quân dưới 5 triệu USD chiếm tới 73%. Số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỉ lệ còn ít”, ông Vũ Văn Hòa – Trưởng Ban quản lý KCX – KCN TP.HCM cho biết.

Một vấn đề nữa cần đặt ra trước hiện tượng NK ngày càng tăng của DN FDI, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, là sự yếu kém của lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; sản xuất và XK chủ yếu là gia công, dựa vào lợi thế nhân công rẻ; công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp; tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng…

Trong thực tế, các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Intel, Nokia khi đầu tư vào Việt Nam đều mong muốn tìm kiếm đối tác cung cấp thiết bị trong nước nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì rất ít nhà cung ứng đáp ứng đủ điều kiện và đủ “kiên nhẫn”. Theo đó, nhà cung ứng nội địa phải đảm bảo được yêu cầu về nguồn sản phẩm, chất lượng, an toàn (không tổn hại đến môi trường), giá trị cao, kỹ thuật cao và chi phí hợp lý.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, hiện Việt Nam vẫn chưa có chiến lược hiệu quả để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa thông qua các công cụ pháp lý và hàng rào kĩ thuật hạn chế NK được cho phép bởi WTO. Ngoài việc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp, Chính phủ có thể sử dụng “điều khoản giải thoát” của WTO để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trong trường hợp họ bị tổn thương bởi sự gia tăng ồ ạt của NK. Hành động này có thể bị chỉ trích bởi các đối tác thương mại, nhưng ở một mức độ nào đó nó vẫn cần thiết trong việc giải cứu các ngành chiến lược của đất nước. 

Quang Duy
Nguồn: Báo Hải quan Online