Cần khuyến khích nhượng quyền thương mại để mở rộng hoạt động kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xu thế toàn cầu hóa đang từng giờ, từng ngày tác động nhiều lĩnh vực họat động kinh tế xã hội Việt Nam. Sự hội nhập nền kinh tế thế giới càng được nhận thấy rõ qua các chỉ tiêu kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, số lượng công ty, sự phong phú về hàng hoá, dịch vụ, quảng cáo… Sự phát triển của các hệ thống nhượng quyền thương mại bằng cách tận dụng tối ưu các nguồn lực của các nhà nhượng quyền và nhà nhận quyền tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hiện có rất nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới như KFC, MacDonal,… thực hiện việc nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, vì trên thực tế, giá trị thương mại đưa lại từ hoạt động nhượng quyền thương mại cao. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có nguồn tài chính mạnh cũng đang tìm hướng đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực này như Vinaconex-ITC, bên cạnh lĩnh vực bất động sản thì họ đang nghiên cứu để mở chuỗi nhà hàng ăn nhanh đầu tư theo hướng nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, việc tìm hiểu các chi phí mà phía đối tác đưa ra và mặt hàng kinh doanh có phù hợp với nhu cầu người Việt Nam không trước khi hiện thực hóa cơ hội là vấn đề cần thiết. Theo Giám đốc kinh doanh của công ty Vinaconex-ITC Trần Văn Bắc, nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đang là cơ hội cho doanh nghiệp vì từ trước tới nay các công ty Việt Nam đi tìm cơ hội kinh doanh của mình thông qua hợp tác với các hãng lớn, gặp gỡ một số doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng, kinh doanh bền vững.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang còn nhiều khó khăn, kinh doanh nhượng quyền thương mại là hoạt động ít rủi ro, tận dụng được thị trường của nhau và cơ sở hạ tầng kinh doanh sẵn có. Hoa Kỳ rất hoan nghênh Việt Nam và các nước khác trên thế giới đến thực hiện hoạt động nhượng quyền vì thực tế cho thấy Hoa Kỳ là đất nước có hoạt động nhượng quyền thương mại rất hiệu quả, diễn ra ở 70 ngành hàng khác nhau và tạo ra 2,3 nghìn tỷ USD về sản lượng kinh tế cho đất nước. Với 900 nghìn cơ sở kinh doanh liên quan đến nhượng quyền đã tạo ra nguồn lợi kinh tế chiếm 1/3 trong tổng doanh thu bán lẻ và tạo ra 15% công ăn việc làm trong khu vực tư nhân. Nhiều chuyên gia thị trường của Hoa Kỳ đánh giá cao sản phẩm cà phê của Việt Nam, rất mong muốn có một nhãn hiệu cà phê của Việt Nam thực hiện nhượng quyền và bán tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải bảo đảm các quy định, các điều luật được thực hiện nghiêm túc, cần phải có môi trường kinh doanh minh bạch và thân thiện với các doanh nghiệp đối tác khi thực hiện việc nhượng quyền. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đặt rất nhiều niềm tin vào hợp đồng, vậy thì sau khi ký hợp đồng thì doanh nghiệp phải rất tôn trọng và thực hiện nghiêm túc. Tham tán thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội Sarah Kemp cho rằng, Việt Nam là đất nước có nhiều yếu tố thị trường, làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư của Hoa Kỳ và các nước khác. Ngoài ra Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, họ tiếp nhận các thương hiệu cao hơn. Hoa Kỳ có trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường, khách hàng của nhau để thực hiện việc nhượng quyền thương mại, lĩnh vực đưa lại nhiều lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay.

Những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam hoàn toàn có thể có mặt ở thị trường nước ngoài qua hình thức nhượng quyền thương mại. Vấn đề là các doanh nghiệp cần mạnh dạn và chuẩn bị tiềm lực tài chính mạnh và cũng rất cần chính sách thông thoáng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đem chuông đi đánh xứ người.

Để củng cố và phát triển hệ thống nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, nhà nhượng quyền Việt Nam cần xây dựng một hệ thống các quy trình, quy định, giải pháp sao cho hệ thống vừa đảm bảo phát triển hiệu quả trong ngắn hạn và bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng chuyển giao và chất lượng quan hệ cho hệ thống nhượng quyền của mình, để khẳng định thương hiệu của mình cả ở trong nước và thế giới.

Xuân Lan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân