Cần kiểm soát chặt dòng vốn đầu tư gián tiếp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong thời gian qua, việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam và nắm giữ khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đã góp phần tạo tính thanh khoản trên thị trường. Các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán chủ yếu được đầu tư thông qua các định chế quỹ đầu tư chuyên nghiệp và một số nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, nhiều quỹ đầu tư như Cayman, Brirtich Island… đầu tư với cơ chế hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi thuế. Chu chuyển dòng vốn vào ra khỏi Việt Nam khá phức tạp. Nhưng tỷ trọng sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài sau khủng hoảng tài chính toàn cầu giảm mạnh. Do diễn biến thị trường thế giới chung và Việt Nam có nhiều biến động theo chiều hướng không tốt, nên nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng và co cụm danh mục đầu tư. Tuy nhiên, một số loại cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng hoặc trong các ngành kinh tế có lợi thế so sánh như khoáng sản, dược, nhựa, … tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài vẫn hết giới hạn cho phép là 49%.

Những biến động của kinh tế vĩ mô trong thời gian qua cho thấy, thị trường chứng khoán nước ta có nhiều khó khăn nhất định. Bởi các định chế đầu tư chuyên nghiệp có dấu hiệu thoái lui thị trường để chuyển sang các lĩnh vực đầu tư khác có sinh lời cao hơn và ít bị kiểm soát hơn. Đặc điểm này khiến có lo ngại về sự thoái vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lượng vốn nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào thị trường chứng khoán nước ta không nhiều, trong khi, tính thanh khoản của thị trường khá thấp. Do vậy, khó có sự thoái vốn ồ ạt tại thị trường chứng khoán dù về nguyên lý nhà đầu tư thường rút khỏi thị trường nhỏ để bảo đảm an toàn.

Một vấn đề khác tác động đến dòng chảy vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có gốc xuất phát từ đầu tư trực tiếp. Nguyên nhân do nước ta có những nới lỏng nhất định về dịch chuyển bản chất các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần thì sau khi chuyển đổi, đối tác bên nước ngoài phải duy trì tỷ lệ nắm giữ tối thiểu 30% vốn điều lệ trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần thì việc niêm yết cổ phiếu chỉ giới hạn trong phạm vi phần cổ phiếu chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Nghị định 101 về quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, thì không ràng buộc việc nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ doanh nghiệp FDI chuyển đổi muốn được tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư thì bên nước ngoài phải nắm giữ tối thiểu 30% vốn điều lệ. Chính phủ cũng quyết định nâng mức nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức 49% vốn điều lệ của công ty đại chúng. Lúc này, việc niêm yết và mua bán chuyển nhượng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không có rào cản nào để kiểm soát. Thực tế, các doanh nghiệp FDI khi chuyển đổi sang công ty cổ phần thường có tỷ lệ nắm giữ bên nước ngoài khá cao từ 60 – 80%. Tuy nhiên khi hết thời hạn ràng buộc 3 năm thì các doanh nghiệp này đều có xu hướng bán ra để về ngưỡng dưới 49%. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng thoái vốn.

Quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp được chia là hai mảng chính là quản lý hoạt động đầu tư và quản lý ngoại hối. Trong đó, việc quản lý hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài là thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính và một phần của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc kiểm soát hoạt động lưu chuyển vốn thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Hai mảng này tuy tách biệt song lại bổ sung cho nhau và tạo thành một cơ chế quản lý thống nhất. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh, có thể nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp thông qua việc kiểm soát nguồn vốn này từ đầu vào. Cùng với việc dỡ bỏ các quy định liên quan đến hạn chế sở hữu ở các doanh nghiệp trong nước theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, cần nghiên cứu phương pháp cấp hạn ngạch đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán đang được áp dụng tại một số quốc gia. Đặc biệt, phải nâng cao năng lực giám sát thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý. Trong đó, tiến tới áp dụng mô hình giám sát đa cấp, để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, cũng như theo dõi được xu hướng vận động của dòng vốn đầu tư gián tiếp. 

Mạnh Quang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân